“Tình yêu khiến ta đau đớn” là một niềm tin thật phổ biến, trong khi đồng thời tình yêu lại là thứ cảm xúc tuyệt vời của sự kết nối và gắn kết đồng điệu. Chúng ta ai cũng đều muốn được yêu, nhưng liệu ta có biết chính xác những gì mình cần phải làm khi yêu không? Liệu tình yêu có thể tồn tại mà không có những đau thương không?
Nếu người ta yêu quý cảm thấy bị tổn thương hoặc phiền muộn, phản ứng tự nhiên của chúng ta là an ủi họ, yêu thương chăm sóc họ để mang lại cho họ cảm giác rằng mọi thứ rồi sẽ lại ổn. Nhưng sẽ thế nào nếu chính chúng ta là người gây ra cho họ nỗi đau ấy?
Đôi khi những điều làm ta tổn thương nhất lại bắt nguồn từ những mối quan hệ gần gũi và thân thiết nhất với ta như bạn bè, gia đình và người yêu.
Chủ đề hôm nay của chúng ta là câu hỏi lớn này đây: tại sao chúng ta lại làm tổn thương những người mình yêu quý nhất?
Đây là một sự thật, và là một câu hỏi được nghiên cứu thường xuyên. Các nghiên cứu đã chứng minh được rằng chúng ta có nhiều khả năng gây hấn với những người mà ta biết rõ và yêu thương nhiều nhất.
Bạn thường gây ra những tổn thương trực tiếp với người yêu và anh chị em trong nhà, trong khi bạn bè thân thiết thường sẽ là mục tiêu của những tổn thương không trực tiếp, có thể là làm tổn thương gián tiếp (ví dụ như lan truyền tin đồn, phá hoại tài sản, nói xấu, v.v), hoặc làm tổn thương thụ động (ví dụ làm ngơ, tẩy chay, từ chối giao tiếp, giữ im lặng, v.v)
Dù cho đó có là sự gây hấn trực tiếp hay gián tiếp đi nữa thì ta vẫn không thể chối bỏ sự thật là chúng ta đều làm tổn thương những người mà mình yêu thương nhất, dù ta có cố ý hay chỉ vô tình. Hãy xem qua 8 lí do phổ biến lí giải tại sao việc này lại xảy ra.
1. Sự tự trừng phạt hoặc tự phá hủy chính mình
Chúng ta làm tổn thương người khác để làm đau chính mình.
Khi ta làm tổn thương những người gần gũi với mình, cuối cùng ta sẽ làm tổn thương chính mình – vì sự dằn vặt, hối hận và xấu hổ sẽ dày vò chúng ta trong một thời gian dài.
Nhưng tại sao chúng ta lại làm thế?
Xu hướng này hình thành dựa trên niềm tin cốt lõi về sự tự ti và tủi hổ. Khi bạn tin rằng chính bạn thực sự không đáng được yêu thương, được vui vẻ, hoặc rằng bạn nhất định sẽ phá hỏng tất cả những điều tốt đẹp xảy đến với mình, có khả năng cuối cùng bạn sẽ hành động theo những cách để xác nhận niềm tin cốt lõi đó – rằng bạn không thể thực sự hạnh phúc hay bạn không hề xứng đáng với tình yêu.
Quá trình này xảy ra trong vô thức, nhưng có thể một lúc nào đó bạn nhận ra rằng đây là lý do sâu xa khiến bạn hành động như vậy.
Thế nên bạn làm đau những người khác để tự hủy hoại bản thân và niềm hạnh phúc của bạn, hoặc vì bạn cần trừng phạt chính mình. Cứ thế, bạn có lẽ sẽ tự tay hủy hoại không chỉ những mối quan hệ mà còn tất cả những khía cạnh khác trong cuộc sống của mình nữa.
Nếu bạn nghĩ những hành động làm tổn thương người mình yêu của bạn thực ra là sự tự hủy hoại hay tự trừng phạt bản thân, hãy cân nhắc:
- Điều gì khiến bạn đáng phải chịu sự trừng phạt?
- Bạn sẽ được giải thoát như thế nào?
- Bạn cần làm gì để cảm thấy bản thân mình xứng đáng với tình yêu và hạnh phúc? Điều gì có thể giúp bạn chữa lành trái tim mình?
- Điều gì mà những người bạn yêu nhìn thấy ở bạn, hay chứng minh cho họ thấy là bạn xứng đáng với tình yêu và sự quan tâm của họ? Tại sao họ vẫn ở đây bên cạnh bạn?
- Lí tưởng nhất là, bạn có thể làm gì để nhân niềm hạnh phúc của mình lên thay vì hủy hoại nó? Lập một danh sách, và khám phá xem liệu bạn có thể tự nhắc bản thân chọn một trong những điều này và sử dụng nó trong lần tới bạn định làm tổn thương người mình yêu bằng ngôn từ hay hành động.
2. Giành quyền kiểm soát với tư cách là Sự bảo vệ hoặc Đáp trả
Đặc biệt là trong những mối quan hệ thân thiết, chúng ta có thể làm tổn thương người khác trước khi họ kịp làm tổn thương mình, để ta có thể thắng thế trong sự kiểm soát.
Đây là một nỗ lực nhằm tự bảo vệ bản thân trước khi bạn bị lệ thuộc vào người khác.
Chắc chắn rằng, tất cả mọi hình thức của sự phản bội và làm tổn thương người khác có một động cơ căn bản chung: để có được một thứ cảm giác quyền lực tạm thời từ sự xuất phát của cơn phấn khích muốn vi phạm những giá trị đạo đức sâu sắc hơn, như việc phải tôn trọng ranh giới và quan tâm tới cảm xúc của những người mình yêu.
Ngoài ra, ta có thể làm tổn thương người khác vì họ làm tổn thương ta trước, nhờ thế ta có thể lấy lại cảm giác kiểm soát bằng cách đáp trả lại sự đau đớn đó và lấy lại được “công bằng” nhờ trả thù.
Đương nhiên là nếu một trong những điều trên đây trở thành một động cơ có trong mối quan hệ của bạn, sớm thôi toàn bộ mối quan hệ đó sẽ trở nên độc hại, những hình mẫu trên là xương sống hình thành nên sự lạm dụng. Vì thế nên việc dừng điều này lại trước khi nó làm hai bạn kiệt quệ là điều quan trọng.
Nếu bạn nhận ra điều này trong chính mình:
Nghĩ về lí do tại sao bạn cảm thấy cần kiểm soát đối phương lúc đầu
Bạn đang bảo vệ bản thân khỏi điều gì?
Dấu hiệu gì mà đối phương đưa ra gần đây khiến bạn cảm thấy cần phải bật chế độ phòng vệ?
Hậu quả của cách ứng xử này có thể là gì?
Làm sao để hai bạn tìm ra một nền tảng chung để giải quyết sự khác biệt một cách êm thắm và không làm tổn thương nhau?
3. Nghịch lí về sự tin tưởng và an toàn
Khi giữa hai bạn có càng nhiều sự thân thiết, tình cảm và sự tin tưởng, bạn càng cảm thấy tự do hơn để là chính mình và không cẩn trọng lời nói và hành động nữa.
Thay vào đó, bạn có thể thiên về hướng cư xử và nói chuyện mở lòng và thành thật với đối phương.
Bạn cảm thấy đủ an toàn để hoàn toàn là chính mình.
Điều tương tự có thể áp dụng cho bất kì mối quan hệ thân thiết nào, nhưng có thể sẽ mãnh liệt hơn giữa các thành viên trong gia đình hoặc giữa những người yêu nhau. Bạn bè vẫn có thể sẽ ý thức hơn về những sự thận trọng và giới hạn trong cách họ nói chuyện và cư xử với nhau, mặc dù càng có nhiều thân thiết và tin tưởng trong một tình bạn, thì càng không tránh khỏi việc những sự thể hiện trở nên chân thật hơn.
Dù sao thì, đó chẳng phải là bản chất của tình yêu và sự tin tưởng, khả năng được là chính mình và biết rằng bạn sẽ được chấp nhận vì bạn là chính bạn sao?
Tuy nhiên, sự thiếu đi những sự thận trọng và giới hạn sẽ khiến bạn dễ dàng vô ý làm tổn thương người khác hơn. Có thể một bình luận vô tư, tự nhiên có thể được xem là gây tổn thương hoặc xúc phạm, hoặc một trò đùa có thể có chút quá đáng hoặc vô tâm đối với đối phương của bạn.
Hoặc bạn cảm thấy thật an toàn với đối phương đến nỗi bạn tự cho phép mình òa khóc nức nở trước mặt họ và sau đó cần sự an ủi và giúp đỡ của họ để hồi phục – nhưng bạn không nhận ra rằng điều này cũng có thể có những tác động tiêu cực với họ.
Ở giai đoạn đầu của các mối quan hệ thân mật (trong thời kì “trăng mật”), ta thường thể hiện bản thân một cách tốt nhất có thể trước đối phương, chỉ những phần tốt đẹp. Ta thường sẽ kiểm oats chặt chẽ cách hành xử của mình để được xem là hoàn hảo và tuyệt với nhất, và tránh cư xử theo những cách có thể gây nguy hiểm cho sự kết nối mới tìm được mà ta đang đầu tư để phát triển hơn nữa.
Nhưng đây chỉ một phần tính cách, vì chúng ta đều có những phần tối tăm hoặc mềm yếu hơn mà chúng ta cẩn thận giấu đi cho đến khi cảm thấy an toàn hơn để thể hiện với họ.
Cảm thấy an toàn nghĩa là tin tưởng rằng họ sẽ chấp nhận chúng ta kể cả khi ta dám là chính mình một cách toàn vẹn.
Cảm thấy đủ an toàn để thể hiện hết tất cả bản thân mình đương nhiên là một điều gì đó tích cực, và là sự phản ánh của sự thân thiết đích thực, nhưng cũng khá khó khăn. Bạn có thể dễ dàng mất kiểm soát và bước qua ranh giới của đối phương.
Nếu bạn thấy chính mình trong đó
Việc có một cuộc trò chuyện mở lòng đối với những người liên quan khác cũng nên được chú ý nhằm khái niệm hóa ranh giới của nhau tốt hơn, cũng như các cách để đảm bảo rằng mọi sự tổn thương đều được giảm thiểu.
Cùng cố gắng hướng tới kết quả tích cực giúp củng cố sự kết nối của hai bạn và khiến cả hai cảm thấy mình như một đội, điều này là một nền tảng tuyệt vời cho mối quan hệ của bạn.
4. Dạng thức gắn bó
Có khá nhiều thứ xảy ra trong một mối quan hệ thân mật được xác định bởi dạng thức gắn bó của chúng ta, và điều này có thể được thay đổi bằng rất nhiều sự cố gắng nội tâm và trải nghiệm tích cực liên quan đến các mối quan hệ.
Chúng ta học yêu theo những cách quen thuộc.
Thường thì trong vô thức, chúng ta sẽ cố tái hiện tại các trải nghiệm thời thơ ấu về việc tình yêu là gì và nó được thể hiện như thế nào.
Chúng ta cố gắng tái tạo lại những cảm xúc ta đã quen khi còn bé trong các mối quan hệ thân mật của mình, vì những điều này được dạy cho chúng ta bởi những người chăm sóc chính (và sau đó thường sẽ được lặp lại bởi những người trong mối quan hệ lãng mạn với ta)
Có thể bạn biết được từ khi còn nhỏ rằng một mối quan hệ thân thiết luôn đan xen với đau đớn và tổn thương nên bạn đã phát triển một chiếc radar nội tâm nhạy cảm mỗi khi mọi thứ đến quá gần; đây có thể là dấu hiệu nguy hiểm mà bạn phản ứng theo chính cách mà nó từng xảy ra khi bạn còn nhỏ.
Tự xem lại:
Bạn đã quan sát tình yêu được thể hiện như thế nào khi bạn còn nhỏ?
Việc làm người khác tổn thương có phải là việc bạn nhớ rằng đã từng thấy, và theo những cách nào?
Sự hồi phục sau tổn thương đó diễn ra như thế nào?
Nếu bạn tò mò về dạng thức gắn bó của mình, bạn có thể thử làm bài kiểm tra ở đây.
5. Khẳng định sự độc lập
Sự thân mật chắc hẳn là đáng sợ. Nó có nghĩa là bạn quá gần gũi về mặt cảm xúc với một cá nhân nào đó khác, thậm chí là hòa thành một với họ theo một cách nào đó.
Việc bạn vô ý làm tổn thương người khác khi khoảng cách cảm xúc giữa hai người có vẻ hơi gần một chút so với ý muốn của bạn là có thể xảy ra.
Đây là một cách vô thức để khẳng định không gian riêng và sự độc lập của bạn bằng cách đẩy người khác ra xa mình.
Những người thấy mình bị đẩy ra xa có thể cảm thấy rất đau đớn, và có những cách lành mạnh và thẳng thắn hơn để khẳng định sự độc lập của bạn và thể hiện rằng bạn cần nhiều không gian hơn mà không làm tổn thương đối phương.
Nếu bạn làm như thế:
Học cách truyền đạt những suy nghĩ và cảm xúc của hai bạn về nhau, về mối quan hệ và sự thân mật một cách hiệu quả hơn nói chung là việc quan trọng, trước khi có bất kì tổn thương nghiêm trọng nào xảy ra.
6. Thử thách ranh giới của nhau
Đây là một lí do khác để ta đối xử với đối phương của mình theo những cách gây tổn thương, nó có thể là có ý thức hoặc không:
Ta cố thử thách ranh giới và xem ra có thể đi xa đến đâu trước khi họ kẻ đường biên.
Trẻ em thường làm những hành động thử thách ranh giới này đối với người chăm sóc chúng, nhưng đó không phải là thứ chúng ta thực sự từ bỏ trong suốt quãng đời mình.
Cách hành xử của chúng ta được hình thành không chỉ bởi suy nghĩ và cảm nhận của riêng chúng ta mà còn là những ranh giới mà mọi người xung quanh vạch ra cho ta.
Thường thì người cố đi xa khỏi ranh giới của đối phương lại là người vô cùng khao khát một ranh giới rõ ràng và vững chắc.
Ranh giới làm tăng cảm giác an toàn của chúng ta, đem đến kết cấu và cũng thể hiện cho chúng ta thấy rằng người kia quan tâm đủ nhiều đến mối quan để có thể thể hiện giới hạn của họ, vì điều này cuối cùng cũng sẽ giúp tăng chất lượng của nó.
Nếu bạn nhận ra bằng đang thực sự cố đi xa khỏi ranh giới của người khác:
Bạn đã xem xét những gì bạn muốn đạt được chưa?
Mục đích cuối cùng của bạn trong việc này là gì?
Có cách nào khác để bạn thể hiện rằng bạn đang cần sự tương tác và các thiết lập ranh giới mà không làm tổn thương người khác không?
7. Sự lí tưởng hóa và kì vọng cao
Lí do này thường là về người bị tổn thương chứ không phải người gây ra sự tổn thương, nhưng chắc chắn là sẽ hữu ích để bạn lưu tâm.
Có thể bạn không hề muốn làm tổn thương đối phương, nhưng họ vẫn cảm thấy đau đớn dù thế nào đi nữa.
Chúng ta càng gần gũi về mặt cảm xúc với ai đó, thì chúng ta càng giao cho họ nhiều trọng trách trong tâm trí mình cũng như sự kì vọng ta dành cho họ càng cao hơn, và họ cũng càng có ý nghĩa quan trọng hơn đối với chúng ta.
Theo một cách nào đó, chúng ta lí tưởng hóa họ - ta trông đợi nhiều ở họ, vì thế bất kì dấu hiệu nhỏ nào không phù hợp với hình mẫu lí tưởng của họ trong mắt chúng ta, có thể sẽ được nhìn nhận một cách nhạy cảm hơn và làm tổn thương ta.
Nếu bạn đang ở tận cùng của sự tổn thương vì trông đợi quá nhiều ở người khác, hãy nhớ tập thói quen đừng nhìn nhận mọi thứ quá chủ quan.
8. Dành nhiều thời gian bên nhau hơn và sự trút giận
Lý do cuối cùng này nghe có vẻ hơi buồn cười, nhưng nó lại là sự thật:
Bạn có thể làm tổn thương người bạn yêu thương nhất đơn giản bởi vì họ là những người luôn ở bên cạnh bạn.
Cảm xúc, suy nghĩ và hành vi của chúng ta liên tục tác động lẫn nhau. Do đó, nếu chúng ta ở trong tâm trạng tiêu cực, ta có nhiều khả năng sẽ hành động theo những cách phù hợp với trạng thái cảm xúc của mình hoặc bị kích động bởi những kích thích không có hại và vô thưởng vô phạt.
Nếu có một người nào đó thường xuyên ở cùng chúng ta, chúng ta có xu hướng bộc lộ hết cảm xúc của mình với họ bằng cách thể hiện chúng ra.
Hơn nữa, hiện tượng “giận cá chém thớt” là điều xảy ra khá thường xuyên giữa những người dành nhiều thời gian cho nhau.
Hiện tượng này nghĩa là sự bộc lộ những cảm xúc liên quan đến một người hoặc một tình huống nào đó, lên một người khác.
Hãy nghĩ về anh chàng đã có một ngày dài và bực bội ở nơi làm việc và sau đó trở về nhà và la hét với người yêu của mình; anh chàng này chuyển sự tức giận và thất vọng của mình cho người khác.
Có lẽ chúng ta trút những cảm xúc tiêu cực này lên những người mà chúng ta dành nhiều thời gian cùng vì chúng ta hầu như cảm thấy an toàn khi ở bên cạnh họ, nhưng chắc chắn đó không phải là một xu hướng gì lành mạnh để ta cảm thấy tự hào.
Nếu bạn thấy mình ở vị trí này:
Bạn có thể sử dụng chánh niệm để nhận thức được lý do thực sự đằng sau những cảm xúc tiêu cực, nhờ đó giảm thiểu nguy cơ bộc phát với một người thường xuyên ở đó cùng bạn.
Một ý tưởng khác là giải thích với đối phương rằng bạn cảm thấy khá cáu kỉnh/bực bội/muốn tranh cãi/có tâm trạng để bạn nhìn trước được và ngăn ngừa một số việc tiêu cực xảy ra giữa hai người.
Tóm lại là...
Làm tổn thương những người thân thiết với chúng ta hơn là điều xảy ra một cách tự nhiên vì nhiều lý do khác nhau.
Lưu tâm và có ý thức hơn về những cách bạn có thể làm tổn thương những người bạn yêu thương nhất và những lý do tiếp theo đằng sau hành vi của bạn, có thể mang lại những kết quả tích cực to lớn cho các mối quan hệ của bạn.
Nhận thức là bước đầu tiên và hoàn toàn cần thiết để hướng tới sự thay đổi tích cực.
Lý tưởng nhất, hãy dành sự tập trung tuyệt vời để hiểu bản thân ở một mức độ nào đó, giúp giảm thiểu những tổn thương cả cố ý và vô ý đối với những người gần gũi nhất với cuộc sống và trái tim của bạn.
Ban Biên Tập YOURE Blog
Nguồn: ToMo Learn Something New
Tác giả: Joanna Pantazi
Link bài gốc: 8 Reasons Why We Hurt The Ones We Love The Most
Dịch giả: Nguyễn Phúc Thanh Trà - ToMo - Learn Something New
(*) Bản quyền bài dịch thuộc về ToMo. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Dịch Giả: Nguyễn Phúc Thanh Trà - Nguồn: ToMo - Learn Something New". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: "Theo ToMo" hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.