Tôi đã từng có suy nghĩ rằng: “Giá như học mà không trải qua thi cử thì tôi chấp nhận đi học mỗi ngày”. Không biết bạn có từng như thế chưa? Thật sự, việc thi cử là một nỗi băn khoăn, lo lắng và đầy áp lực đối với học sinh, sinh viên. Chắc hẳn bạn đã từng lo sợ mình không đủ 8 phẩy để đạt học sinh giỏi; từng ám ảnh với việc rớt môn, học lại, học cải thiện,... Vậy để thành công khi đi thi chúng ta cần những yếu tố nào?
Bài viết này sẽ hé mở những “bí kíp” quyết định đến thành công khi đi thi của bạn.
1. Chắc kiến thức - Yếu tố thứ nhất quyết định thành công khi đi thi
Ví cuộc đời bạn như hành trình xây dựng một ngôi nhà thì kiến thức chính là nền tảng quan trọng nhất để tạo nên sự bền bỉ, vững chắc.
Và kiến thức là những thông tin, sự hiểu biết, kỹ năng,... có được nhờ trải nghiệm, thông qua giáo dục hay tự học.
Vậy chắc kiến thức có nghĩa là sao?
Chắc kiến thức là bạn hiểu, bạn ghi nhận, bạn nắm vững và bạn vận dụng được nó vào những trường hợp nhất định (làm bài tập, thi cử,...). Bạn muốn xây dựng ngôi nhà cao tầng, thì trước hết bạn phải nắm vững những kiến thức căn bản nhất. Từ đó, bạn có cơ sở để tiếp nhận những kiến thức nâng cao, chuyên môn hơn. Có như thế, bạn mới đạt được kết quả tốt.
Có một thực trạng dễ nhận thấy ở nền giáo dục hiện tại, học sinh, sinh viên bị rơi vào tình trạng “hổng” kiến thức rất nhiều và đa phần là kiến thức căn bản (mất gốc). Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này kể cả khách quan lẫn chủ quan. Song, tôi sẽ không đề cập sâu về vấn đề này.
Thông thường, các kỳ thi sẽ được thông báo đến bạn trước ngày thi một khoảng thời gian nhất định (có thể nửa tháng, một tháng hay thậm chí là hơn) để bạn chuẩn bị. Tôi gọi đây vừa là thời gian “vàng” vừa là thời gian “chạy nước rút”. Thời gian vàng dành cho người nắm vững kiến thức, bởi lẽ đây sẽ là thời điểm tối ưu nhất bạn ôn tập lại những kiến thức đã được học trước đó. Thời gian chạy nước rút cho những người bị hổng kiến thức ở bất kỳ đoạn nào của kiến thức. Chúng ta phải vừa lắp những lỗ hổng cũ vừa phải dung nạp kiến thức mới mà vẫn đảm bảo rằng chúng ta không quên những gì đã học. Và có thể bạn sẽ cảm thấy không đủ thời gian, chán nản rồi nghỉ học, hiển nhiên kết quả thi cử của bạn sẽ không tốt.
Để tránh sa chân vào khoảng thời gian “chạy nước rút”, bạn nên sâu sát với những kiến thức được truyền đạt mỗi ngày. Nếu không hiểu hãy tìm tòi, khám phá thậm chí học lại những “tri thức bị lãng quên”.
Nắm chắc kiến thức chính là yếu tố quyết định nhất đến thành công khi đi thi của bạn. Hãy nỗ lực học tập một cách nghiêm túc, bạn sẽ hưởng được quả ngọt bởi lẽ học tập là hạt giống của kiến thức.
2. Vững tâm lý - Yếu tố cần phải rèn luyện nhiều mới có được
Bạn có cảm giác lo lắng thi cử đặc biệt là trước ngày thi một ngày đúng không? Hãy yên tâm, đây là một trạng thái tâm lý hết sức bình thường và gặp phải ở hầu hết mọi người. Nhưng điều quan trọng là chúng ta đối diện nó như thế nào?
Chúng ta lo lắng trước khi thi (sợ làm bài không được), trong khi thi (không biết mình có làm đúng không) và sau khi thi (kết quả sẽ ra sao). Ngoài ra còn rất nhiều khía cạnh khiến bạn cảm thấy lo lắng. Dù bạn có học chắc hay không thì trong tâm thế thi cử của bạn vẫn có một nỗi bất an vô hình. Nhưng bạn hãy một điều rằng, nếu bạn nắm chắc kiến thức thì bạn sẽ tự tin hơn, giảm bớt nỗi lo đó đi. Thực tế bạn có thể nhìn thấy, những người nắm chắc kiến thức khi bước vào phòng thi họ sẽ phát ra phong thái bình tĩnh, tâm lý được ổn định hơn.
Ngoài ra việc luyện giải đề dưới áp lực thời gian và trùng với khung giờ thi thật cũng giúp bạn rèn luyện tâm lý rất nhiều. Ví dụ kỳ thi thật diễn ra trong 90 phút, thì bạn sẽ phải luyện giải đề trong 80-85 phút. Kỳ thi thật bắt đầu lúc 8h sáng thì bạn phải cố gắng sắp xếp các buổi luyện giải đề lúc 8h sáng. Sự rèn luyện này giúp bạn quen với việc quản lý thời gian khi làm bài, luyện được khả năng giữ bình tĩnh trong những khoảnh khắc nhất định, và cả sự hưng phấn trong khoảng thời gian trong ngày mà kỳ thi thật sẽ diễn ra.
Trạng thái tâm lý mặc dù có tác động đến việc thi cử, nhưng nó không phải là yếu tố khiên ta phải quá quan tâm. Kết quả thi cử bạn nhận được sẽ phản ánh quá trình học tập của bạn, nếu bạn học tập nghiêm túc, nắm vững kiến thức và rèn luyện làm bài thi thật chăm chỉ và hiệu quả thì hiển nhiên bạn sẽ vững tâm lý được thôi.
3. Bền sức khỏe - Yếu tố thứ ba quyết định thành công khi đi thi
Thomas Carlyle từng nói: “He who has health, has hope; and he who has hope, has everything” (tạm dịch Người có sức khỏe, có hy vọng; và người có hy vọng, có tất cả mọi thứ).
Người ta thường nói “Có sức khỏe là có tất cả”, trong học tập, thi cử, tôi cũng nghĩ điều đó đúng phần nào.
Sức khỏe được luyện tập, hình thành trong một khoảng thời gian dài chứ không phải tập thể dục một hai ngày là có được sức khỏe tốt. Sức khỏe tốt gồm nhiều yếu tố cấu thành nên, trong đó có thể kể đến chế độ ăn uống, giấc ngủ, thể dục,...
Khi các kỳ thi đến gần, bằng cách nào đó dường như chúng ta không bao giờ có đủ thời gian cho những thứ cơ bản như ăn, ngủ và tập thể dục. Quan tâm đến sức khỏe và tinh thần của bạn sẽ thực sự giúp bạn học tập tốt nhất bằng cách cải thiện trí nhớ, tâm trạng và mức năng lượng của bạn, đồng thời giảm bớt mức độ căng thẳng.
Nếu như bạn cảm giác quá tải, bản thân bạn không cho phép dung nạp kiến thức nữa, lúc ấy, bạn hãy nghỉ ngơi để sức khỏe mình được hồi phục.
Sức khỏe có bền thì tâm lý bạn mới vững, tinh thần thoải mái, trí óc minh mẫn để đối diện với kỳ thi được. Hãy nhớ Nếu bạn phá sức khỏe để có được kiến thức, bạn đã vất vả vì một thứ rồi cuối cùng nó vô dụng mà thôi (thường khi không khỏe chúng ta không thể nhớ lâu được kiến thức).
4. Cầu may mắn - Yếu tố quyết định cuối cùng
Chắc hẳn bạn đã nghe câu “Học tài thi phận”. Và đa số chúng ta lấy đây là lý do để “chạy chữa” cho căn bệnh thi không tốt của mình.
Thực chất câu nói này phản ánh về yếu tố may mắn trong thi cử, có nghĩa những người học giỏi, chắc kiến thức, vững tâm lý, bền sức khỏe nhưng chưa hẳn sẽ đạt kết quả cao. Nói như thế, không phải là các bạn không học gì thì có thể điểm cao. Nếu như bạn là người may mắn, bạn vô tình “học trúng tủ” hay “chọn đâu trúng đó” (với hình thức trắc nghiệm) thì hãy nhớ một điều rằng “không phải lần nào cũng như nhau”.
Chúng ta dễ bắt gặp tình huống các sĩ tử cầu nguyện sẽ gặp may mắn trong kỳ thi. Nhưng nếu không học gì, với một cái đầu trống rỗng bước vào phòng thi thì dù cho bạn có may mắn thì kết quả cũng không mang tính khả quan cao, kết quả ảo, kết quả nhất thời. May mắn chỉ là yếu tố phụ để cho bạn “đầu xuôi đuôi lọt” qua kỳ thi mà thôi. Song, không phủ nhận vai trò của yếu tố may mắn. Việc bạn giỏi cộng hưởng thêm sự may mắn hiển nhiên bạn sẽ đạt được kết quả tốt.
Để có được một kỳ thi tốt, đạt kết quả cao thì trước hết, bạn hãy trang bị, củng cố, nắm chắc kiến thức đã học đồng thời chăm sóc bản thân, cân bằng giữa học tập và cuộc sống. Từ đó, bạn sẽ có một tâm lý vững vàng, một sức khỏe bền bỉ để đối diện với kỳ thi một cách tốt nhất. Và tôi tin, may mắn sẽ đến với những người cố gắng, nỗ lực, và nghiêm túc. Chắc kiến thức - vững tâm lý - bền sức khỏe - cầu may mắn sẽ giao thoa với nhau quyết định thành công khi đi thi của bạn.