Sống ở đời, suy cho cùng bạn có thể có trí tuệ ít một chút, năng lực có thể kém một chút, ngoại hình có thể không đẹp lắm, nhưng nhân phẩm thì tuyệt đối không được thiếu, bởi nhân phẩm mới là thứ quyết định giá trị thực sự của một con người.
Như chúng ta cũng đã biết Đại thi hào Nguyễn Du đã từng có câu thơ bất hủ rằng: “Thiện căn ở tại lòng ta, Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Người xưa chú trọng tu dưỡng đạo đức, coi cái cái tâm, cái đức, cái chân, cái thiện, cái nhẫn mới là thứ quý giá nhất của cuộc đời mỗi con người.
Cái Tâm ở đây là để chỉ sự tử tế giữa con người với con người, làm việc xuất phát từ sự chân thành, xuất phát từ lòng lương thiện. Người có tâm tốt là người biết xa lánh cái ác, cái xấu, không vì lợi ích cá nhân mà làm thương tổn người khác, không vì tiền tài mà hại người trục lợi.
Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, chữ Tâm dường như không còn được chú trọng, người ta sống chủ yếu là vì tư lợi cho bản thân, đặt lợi ích cá nhân lên hàng đầu, người ta đo lường đạo đức con người bằng tiền, bằng chức vị, nhà cửa, xe cộ… kiểu hễ anh có tiền, có danh là anh ta có đạo đức.
Tuy nhiên, nếu quay về đạo đức văn hóa truyền thống để đối chiếu thì chúng ta sẽ thấy rằng, đạo đức con người ngày nay đã xuống cấp một cách không phanh. Bởi người xưa coi nhân phẩm mới là gốc rễ căn bản để lập thân ở đời. Từ Thế Xương từng nói: “Phàm là lập công lập nghiệp đều phải lấy phẩm đức làm căn cơ”.
Trong quá khứ, những vị cao nhân, những bậc hiền tài trong lịch sử đều được miêu tả với tâm hồn trong sáng, sống thanh cao, ung dung tự tại, không màng danh lợi… tuy nhiên, họ vẫn sẽ không cầu mà tự nhiên đạt được.
Thời Đông Hán, Dương Chấn từng tới nhận chức tại quận Đông Lai. Trên đường đi qua huyện Xương Ấp, ông gặp lại tú tài Vương Mật, người từng được ông cất nhắc trước kia.
Vương Mật lúc bấy giờ đương chức huyện lệnh huyện Xương Ấp, vì muốn báo đáp ân tình nên dâng cho Dương Chấn một số vàng.
Lúc đó vào đêm khuya, ngoài hai người bọn họ, không có ai khác. Dương Chấn nhìn thấy vàng, liền từ chối ý tốt của Vương Mật.
Vương Mật thấy vậy vừa cười vừa nói: “Đêm khuya vắng người, không ai có thể biết chuyện được”.
Dương Chấn nghe xong, nghiêm nghị nói: “Trời biết, đất biết, ta biết, ông biết, sao lại nói là không ai biết?”
Văn hóa truyền thống Á Đông nhấn mạnh về nhân cách, đạo đức của một người. Muốn thành công trước tiên hãy học hoàn thiện nhân cách. “Tài đức song toàn, lấy đức làm đầu”.
Cổ nhân nhấn mạnh chữ “Đức” trước chữ “Tài”, trong hai chữ “nhân tài” thì chữ “Nhân” đứng trước, chữ “Tài” theo sau từ đó có thể thấy được tầm quan trọng của nhân phẩm.
Năng lực đương nhiên rất quan trọng, nhưng nhân phẩm còn quan trọng hơn. Nhân phẩm là học vấn chân chính cao nhất, là nền tảng để triển khai năng lực của con người.
Trong bức thư viết cho em trai mình, nhiều lần Tăng Quốc Phiên đều cập tới tầm quan trọng của “đức”, tức nhân phẩm của con người. Ông nói: “Ngày nay tích một phần đức, cũng coi như tích một đấu ngũ cốc”. Về phương diện dùng người, Tăng Quốc Phiên cũng đặc biệt chú ý tới nhân phẩm của các quan viên.
Đối nhân xử thế, không cần vạn sự như ý nhưng tuyệt đối không được hổ thẹn với lương tâm của mình, mọi thứ sẽ như ánh sáng hào quang soi sáng bản thân và khúc xạ người khác.
Con người sống ở đời, trí tuệ có thể ít một chút, năng lực có thể kém một chút, nhưng nhân phẩm tuyệt đối không được thiếu.
Tương giao với người, bắt đầu bằng gì không quan trọng, nhưng cuối cùng chỉ xem nhân phẩm, bởi nhân phẩm mới là nền tảng bền vững nhất của mọi mối tương giao.
Những người có thể bình yên vô sự trong thế giới thăng trầm vạn biến này không phải là nhờ của cải và quyền thế, mà chỉ đơn thuần là một trái tim và lương tâm trong sạch.
Chân tâm cuối cùng sẽ chiến thắng sự dối lừa, Trời không phụ người lương thiện, sống thẳng thắn chân thành sẽ gặp được người cùng chí hướng. Tâm an yên là sự viên mãn nhất của cuộc đời.
Tâm có sáng, lòng có ngay thẳng thì hành động mới lương thiện. Có tài nhưng tâm đen tối thì chỉ mang cái tài ấy ra hại người, cuối cùng hại mình.
Chúng ta không có quyền được lựa chọn cha mẹ, lựa chọn nơi sinh ra, nhưng sống tốt hay xấu, sống thiện hay ác, đều là do cá nhân tự lựa chọn, tự định hướng. Bởi vậy muốn thành công thì trước hết phải thành nhân, làm một con người chân chính, thiện lương và nhẫn nại thì cuộc đời sẽ tìm được hạnh phúc!.