Nhất quán thương hiệu - nhất quán thành công
Bất kỳ thương hiệu nào khi xây dựng cũng đặt ra mục tiêu đạt được sự nhận diện tích cực từ khách hàng. Mọi người dễ nhận biết cũng như nhớ đến thương hiệu của mình hơn. Và tính nhất quán sẽ là chìa khóa để bạn giải mã mục tiêu này.
Tính nhất quán phải được thể hiện xuyên suốt chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu. Sẽ không có gì ngạc nhiên khi chứng kiến một công ty rơi vào tình trạng “lạc lối” trong quá trình duy trì sự nhất quán thương hiệu. Điều này rất dễ xảy ra với các doanh nghiệp đang trên đà phát triển, bởi chúng ta muốn nhanh mở rộng quy mô, tạo ra nhiều chiến lược marketing nhưng vô hình trung nó khiến bộ nhận diện thương hiệu trở thành mớ bòng bong.
Nhất quán là chìa khóa cho bất kỳ chiến dịch xây dựng thương hiệu nào. Bởi lẽ Jim Mullen đã từng nói: “Khi nhìn vào một thương hiệu mạnh, bạn nhìn thấy một lời hứa”. Lời hứa này phải được thực hiện nhất quán trong suốt các chiến dịch tiếp thị phía trước và phía sau của bạn để duy trì tính toàn vẹn. Duy trì tính nhất quán của thương hiệu là cách thể hiện sự chuyên nghiệp, nỗ lực nhằm đạt được những mục tiêu và gìn giữ các chuẩn mực, giá trị cốt lõi của một cá nhân hay tổ chức, doanh nghiệp.
Lúc đầu, sự thiếu nhất quán có thể không đáng chú ý, nhưng việc không xác định và gắn bó với một bản sắc thương hiệu cuối cùng có thể gây ra tác động tiêu cực. Thương hiệu sẽ trở nên rời rạc, không đáng tin cậy và bị chia rẽ đến mức gây nhầm lẫn cho khách hàng, đối tác, nhân viên và thậm chí cả đội ngũ điều hành.
Đừng nghĩ rằng nhất quán là nhàm chán
Chúng ta luôn có suy nghĩ nếu nhất quán cứ lặp đi lặp lại một việc sẽ tạo ra sự nhàm chán với khách hàng. Vậy bạn có cảm thấy Coke, Apple hay Virgin Records là nhàm chán không? Các thương hiệu danh tiếng này đều xem sự nhất quán là một trong những bí quyết hàng đầu cho sự thành công và phát triển bền vững.
Tôi biết các doanh nghiệp không ngừng đổi mới hình ảnh trên các phương tiện truyền thông kỹ thuật số (Digital media). Tôi thừa nhận điều này là cần thiết nhưng cốt lõi của những sự thay đổi là sáng tạo trang phục (hình thức) làm nổi bật giá trị của bản thân (nội dung). Sự thay đổi trang phục cho thương hiệu giúp khách hàng, đối tác có cái nhìn mới mẻ, đa dạng hơn. Trên hết, khách hàng càng tiếp xúc với một thứ gì đó - sản phẩm, dịch vụ hoặc thương hiệu của bạn - thì họ càng có xu hướng thích nó. Đây là một hiện tượng tâm lý được gọi là “sự tiếp xúc đơn thuần”.
Toàn bộ đội ngũ cần phải ủng hộ và hành động vì sự nhất quán của thương hiệu
Nhân viên của bạn là những người bảo vệ thương hiệu của bạn.
Để tăng được sự nhận diện thương hiệu trong tâm trí khách hàng cần có một đội ngũ nhân viên nhất quán hành động. Từ chủ doanh nghiệp, giám đốc các bộ phận, trưởng phòng, quản lý đến các nhân viên kể cả nhân viên thực tập phải thấu hiểu, đồng lòng và thực hiện theo những giá trị cốt lõi của công ty. Điều đó làm cho đội ngũ nhân viên nhận thức rõ tầm quan trọng của việc nhất quán thương hiệu.
Đồng nghĩa với việc chủ doanh nghiệp phải hướng dẫn toàn diện về phong cách và các giá trị của thương hiệu, từ đó nhân viên thể hiện chính xác nội dung thương hiệu một cách nhất quán, bao gồm slogan, logo, các thiết kế đồ họa, sự hiện diện trên mạng xã hội,... Bên cạnh đó cũng bao gồm các yếu tố hữu hình như phong thái trò chuyện, sứ mệnh xây dựng thương hiệu và triết lý công ty.
Thương hiệu không chỉ là chiếc mặt nạ mà công ty bạn đeo khi giao dịch với khách hàng tiềm năng và công chúng. Nó cũng nên dùng như một khuôn mẫu cho cách bạn xây dựng văn hóa nội bộ công ty của mình.
Sứ mệnh của Starbucks là: “Để truyền cảm hứng và nuôi dưỡng tâm hồn con người - một người, một cốc cà phê và một tình hàng xóm vào một thời điểm”. Đến với Starbucks, bạn sẽ cảm thấy một môi trường thoải mái, thân thiết đến lạ thường. Điều đó cũng ảnh hưởng ít nhiều đến từ nhân viên trong hệ thống. Trước khi tạo cảm tình với khách hàng, Starbucks đã chú trọng đến tinh thần và môi trường làm việc của nhân viên, khuyến khích họ tạo dựng các mối quan hệ thân thiện ngay trong nhóm và luôn xem nhân viên là các “thượng đế” cần chăm sóc hết mình. Tình hàng xóm, thương yêu, quan tâm lẫn nhau nhất quán trong đội ngũ nhân viên đã làm nổi bật lên sứ mệnh cao cả mà Starbucks hướng đến khách hàng.
Xây dựng “Bộ hướng dẫn về phong cách thương hiệu”
Khi bạn hiểu giá trị của một thương hiệu nhất quán, bạn sẽ thấy tại sao phải xây dựng bộ hướng dẫn về phong cách thương hiệu. Đây là một cách để theo dõi trực quan quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu của bạn. Bộ hướng dẫn này phác thảo các quy tắc cần tuân theo trong mọi không gian, mọi thời gian mà một thành viên trong tổ chức muốn thể hiện hoặc quảng bá nội dung cho thương hiệu. Khi nói đến những hạng mục cần phải có trong bộ hướng dẫn về phong cách thương hiệu, không có một nguyên tắc bất di bất dịch nào. Tùy thuộc vào mục tiêu và văn hóa của công ty mà hình thành bộ nhận diện phù hợp. Sau đây là một số nội dung cơ bản cần có trong bộ hướng dẫn phong cách thương hiệu:
- Tên thương hiệu
- Sứ mệnh của thương hiệu
- Câu khẩu hiệu
- Sử dụng logo
- Màu sắc thương hiệu
- Phông chữ và kiểu chữ: Các kiểu chữ và phong cách thể hiện chữ viết phải được thống nhất sử dụng trong những thể loại nội dung như thông cáo báo chí, blog, email, thỏa thuận kinh doanh, v.v…
- Iconography
- Phong cách hình ảnh: Hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp trông sẽ như thế nào trên thị trường? Các phong cách hình ảnh khác nhau tùy vào tình huống, những cảm xúc mà chúng sẽ khơi gợi, v.v…
- Hướng dẫn về cách thể hiện từ ngữ, câu chữ: Phần hướng dẫn này cũng cần được quy định chi tiết bao gồm các trường hợp viết hoa trong tên thương hiệu, tài liệu thương hiệu và những tình huống, vị trí cụ thể để đặt tên thương hiệu, thương hiệu nhánh, câu khẩu hiệu và cả những trường hợp không được sử dụng.
Dù quy mô của doanh nghiệp, tổ chức hay cá nhân ở mức độ nào cũng cần có bộ hướng dẫn phong cách thương hiệu. Điều này làm cơ sở cho đội ngũ nhân viên thực hiện duy trì sự nhất quán của thương hiệu xuyên suốt quá trình làm việc. Nhưng hãy nhớ rằng việc tạo hướng dẫn phong cách chỉ là một nửa của trận chiến. Bạn cần chủ động theo dõi cách sử dụng bộ nhận diện này để đảm bảo tính nhất quán của thương hiệu được thực hiện đúng. Tạo và tuân thủ kế hoạch thương hiệu sẽ giúp tổ chức của bạn nổi bật, tạo niềm tin và mang đến trải nghiệm đáng nhớ cho mọi người kết nối với tổ chức của bạn.
Bổ nhiệm một “đội cảnh sát thương hiệu”
Với cương vị là chủ doanh nghiệp, bạn không thể nào giám sát từng hành vi, cử chỉ của nhân viên khi sử dụng tên thương hiệu và các tài liệu thương hiệu. Vì thế cần có người theo dõi, động viên, khuyến khích đội ngũ nhân viên phản hồi cũng như là đề xuất ý tưởng để phát triển bộ nhận diện thương hiệu. Điều đó giúp chủ doanh nghiệp nhận ra những “lỗ hỏng” cần thay đổi so với thị trường biến thiên như hiện nay và đồng thời đảm bảo duy trì tốt tính nhất quán của thương hiệu.
Sự nhất quán thương hiệu là điều doanh nghiệp cần phải kiên trì phấn đấu trong suốt quá trình xây dựng và phát triển. Một trong những yếu tố quan trọng nhất cho sự thành công của thương hiệu là tính nhất quán - chính xác là tuân thủ các tiêu chuẩn thương hiệu đó trên mọi mặt trận tiếp thị và chiến lược kinh doanh mà bạn theo đuổi. Đây là cách duy nhất để khách hàng quen thuộc hơn với thương hiệu của bạn theo thời gian.