Xác định mục tiêu học tập phù hợp với năng lực giống như việc thiết kế một trang phục vừa vặn với bạn vậy. Vừa tôn lên vẻ đẹp của bạn, vừa lộng lẫy, thu hút và thành công trên bước đường bạn đi qua.
Ở bài viết bốn yếu tố quyết định thành công khi đi thi tôi đã đề cập đến yếu tố quan trọng nhất đó chính là chắc kiến thức. Vậy có cách nào để chúng ta nắm chắc được kiến thức hiệu quả không? Chuỗi bài “Chiến lược học tập hiệu quả” sẽ là chìa khóa mở ra cánh cửa cho câu hỏi đó.
Francie Larrieu Smith từng nói: “Điều quan trọng nhất về động lực là thiết lập mục tiêu. Bạn luôn luôn nên có một mục tiêu.”
Việc học tập là một quá trình dài tiếp nhận kiến thức đòi hỏi bản thân phải dành rất nhiều thời gian. Chúng ta luôn cần một động lực để duy trì, nỗ lực, đồng hành cùng với nó. Và việc bạn có mục tiêu sẽ tạo nên nguồn động lực, sức mạnh thôi thúc bản thân hành động.
Bất kể công việc, kế hoạch nào muốn đi đúng đường trước hết cần biết mục tiêu của nó là gì. Và trong bài viết đầu tiên này, tôi sẽ gợi mở về cách xác định mục tiêu học tập phù hợp với năng lực của bạn.
Tại sao mục tiêu học tập phải phù hợp với năng lực?
Có một sai lầm hay gặp là chúng ta nhầm lẫn giữa ước mơ và mục tiêu. Mục tiêu là giá trị thực có thể đạt được trong một khoảng thời gian nhất định. Và thông thường, chúng ta sẽ đặt những mục tiêu xuất phát từ điều mà chúng ta mong nhận được, chứ ít khi xem xét chúng trong nhiều khía cạnh. Và khía cạnh chủ chốt nhất chính là năng lực bản thân.
Tôi sẽ phân tích dưới 2 góc độ: quá sức và dưới sức.
Đặt mục tiêu quá sức và tác hại của nó
Đầu tiên, việc đặt mục tiêu cao là một điều tốt. Nó sẽ tạo cho mình một nguồn lực (động lực, áp lực) thúc đẩy bản thân cố gắng hoàn thành nó. Có một câu nói “áp lực sẽ tạo nên kim cương”. Vậy nếu quá áp lực thì sao?
Việc bạn đặt ra một mục tiêu quá năng lực của bạn sẽ khiến bạn quá sức, áp lực chồng chất áp lực. Bởi lẽ, bạn không “với” tới những điều bạn đã đặt ra. Điều này khiến bản thân bạn học dàn trải, thiếu tập trung, tốn nhiều năng lượng, thiếu hiệu quả, thậm chí cảm thấy chán nản, tự ti với bản thân, đôi khi bạn sẽ từ bỏ nó dù đã nỗ lực suốt một thời gian dài.
Tôi lấy một ví dụ dễ hiểu, không bàn đến những người có năng lực bẩm sinh, có một học sinh suốt 11 năm loại trung bình và lớp 12 bạn đó đề ra mục tiêu thi đại học 28-29 điểm để vào Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh ngành Y đa khoa. Bạn nghĩ sao về trường hợp này? Tôi không chắc chắn 100% là bạn đấy sẽ không làm được, giả sử bạn ấy may mắn thi đỗ thì thử hỏi có bao nhiêu học sinh trung bình cũng thi đỗ vào Y đa khoa. Còn nếu bạn học sinh đó không đủ điểm và cũng không có nguyện vọng thấp hơn thì có phải bạn đó sẽ không tiếp tục học tập không?
Có thể lúc bắt đầu với mục tiêu đó, chúng đã “tràn trề sinh lực” để chinh phục nó, nhưng vẫn câu nói cũ, học tập là một hành trình, để đi đường dài với nó cần có một nguồn lực ổn định. Thật ra, sinh lực dù có tràn đầy đến đâu thì năng lực con người vẫn có hạn, để vượt qua nó là điều không thể và đây cũng chính là nhược điểm lớn của bạn.
Đặt mục tiêu dưới sức mình và hệ quả của nó
Tiếp theo, tôi sẽ phân tích đến góc độ thứ hai, đặt mục tiêu dưới sức của bạn.
Có nhiều người đánh giá thấp năng lực của bản thân mình, không dám đặt ra những mục tiêu cao để thực hiện. Và hiển nhiên năng lực thật sự của bạn sẽ bị dần lãng quên theo thời gian. Với một việc dưới sức, ta hay có tâm lý “Ôi, cái này dễ ẹc, nhắm mắt cũng có thể làm được”, đúng không? Tâm lý như vậy sẽ dẫn đến tình trạng chủ quan, ỷ lại, học tập, làm việc một cách hời hợt, thiếu nghiêm túc, thiếu cố gắng, và tất nhiên kết quả đó không phản ánh đúng thực lực của bạn.
Bạn có còn nhớ một hiện trang nổi “rần rần” trên Facebook về đề thi môn Toán tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020, rất nhiều học sinh khá giỏi làm được những câu hỏi khó nhưng lại sai ở câu mức độ “dễ nhất” do ỷ lại vào máy tính. Thế là bạn đã mất 0.2 điểm, có thể bạn đã biết, việc bạn thiếu 0.01 cũng mang đến nguy cơ trượt đại học nguyện vọng 1.
Đôi khi bạn lựa chọn một hướng học tập an nhàn, đủ điểm để qua môn hay thậm chí bạn không muốn phát huy hết năng lực của bản thân mình. Con người chúng ta rất dễ sinh lười biếng trong cuộc sống an nhàn. Về lâu, nó sẽ trở thành thói quen xấu cản trở mọi công việc của bạn.
Việc đặt mục tiêu quá sức hoặc dưới sức đều không mang đến hiệu quả cho việc học tập, ôn luyện và thi cử của bạn. Cách tốt nhất là mục tiêu học tập phải phù hợp với năng lực chính bản thân bạn.
Cách xác định mục tiêu học tập phù hợp với năng lực
Câu hỏi đặt ra: “Làm thế nào để xác định để mục tiêu đó phù hợp?” Mục tiêu SMART sẽ giải đáp cho bạn điều đó.
Từ “smart” có lẽ khá thân thuộc với những người học tiếng Anh, nó có nghĩa là thông minh. Vậy “mục tiêu thông minh” là gì?
Khái niệm về mục tiêu SMART lần đầu tiên xuất hiện trong một bài báo của George T. Doran trên tạp chí Management Review tháng 11 năm 1981. Kể từ đó, có rất nhiều lĩnh vực vận dụng “SMART” theo những cách khác nhau, giáo dục cũng không ngoại lệ.
Mỗi ký tự trong SMART là chữ viết tắt cho những yếu tố tạo nên mục tiêu này.
S – Specific: Cụ thể, dễ hiểu
Mục tiêu tốt, mục tiêu phù hợp đòi hỏi sự chi tiết, cụ thể, rõ ràng và dễ hiểu (dễ hình dung). Có như thế, bạn mới xác định chính xác những khía cạnh cần và đủ để đạt được mục tiêu.
Chẳng hạn, hiện tại bạn là một sinh viên năm nhất, mục tiêu của bạn sau khi ra trường có một công việc ổn định. Như thế chưa đủ, bạn cần phải xác định chuyên ngành bạn theo đuổi là gì? Vị trí công việc ra sao? Lương bao nhiêu là ổn định? Và bạn cần làm gì để có thể nhận được công việc đó? Nếu không, không những bạn rơi vào tình trạng “treo bằng”, thất nghiệp dù bạn đạt được bằng khá, giỏi mà thậm chí còn khiến bạn chán nản, không biết mình muốn gì, làm gì và đôi khi bỏ cuộc.
Bạn càng viết ra được mục tiêu của mình càng cụ thể thì bạn càng dễ dàng thấy rõ mục tiêu mà mình cần đạt được. Thông thường, trả lời sáu câu hỏi “5W-1H” - Who? (Ai?), What? (Cái gì?), Where? (Ở đâu?), Why? (Tại sao?), When? (Khi nào?) và How? (Làm nó như thế nào?) - có thể giúp bạn đạt được tính cụ thể hơn.
M - Measurable: Đo lường được
Mục tiêu của bạn có thể đo lường được không? Làm thế nào bạn biết được khi nào bạn đã đạt được mục tiêu? Có nghĩa là mục tiêu của bạn phải có một cột mốc (con số) cụ thể gắn liền với nó. Những ước muốn của bạn phải cân, đo, đong, đếm được. Nó sẽ giúp bạn biết chính xác những gì bạn cần đạt được và cụ thể là bao nhiêu.
Lấy ví dụ, bạn chuẩn bị thi lấy chứng chỉ tiếng Anh, thì mục tiêu chính xác của bạn là bao nhiêu. TOEIC 450-550 đủ điều kiện ra trường hay là hơn. Những con số cụ thể sẽ giúp bạn theo dõi được tiến độ học tập của mình. Nó là đòn bẩy thúc đẩy bạn cố gắng, nỗ lực hết mình để đạt được mục tiêu.
A - Atainable: Tính khả thi
Đây là yếu tố trả lời câu hỏi: “Bạn có thể đạt được mục tiêu mà bạn đã đặt ra cho mình không?” Mục tiêu bạn đặt ra phải phù hợp với năng lực tri thức, kinh nghiệm của bạn. Tính chất này tôi đã đề cập rất nhiều ở phần đầu khi bạn lựa chọn một mục tiêu mà vốn dĩ bản thân bạn không thể thực hiện được nó thì đương nhiên nó sẽ phản tác dụng. Tránh đặt mục tiêu quá cao để không bỏ cuộc giữa chừng. Nói như thế, không phải phục tiêu quá thấp sẽ tốt, nó sẽ không tạo cho bạn được cảm giác thích thú, cố gắng.
R - Relevant: Tính thực tế liên quan
Tính liên quan có nghĩa là mục tiêu sẽ gắn liền với thực tế của bạn và góp phần vào việc giúp bạn được những mục đích lớn hơn trên con đường phát triển của bạn.
Lấy ví dụ dễ hiểu, bạn có mong muốn đi du học Mỹ trong 2 năm nữa. Mục tiêu có liên quan đến mong muốn và dự định du học của bạn đó là bạn phải học tốt tiếng Anh và đạt được tối thiểu 6.5 IELTS trong vòng 1 năm tới, thay vì bạn cố gắng đạt được trình độ tiếng Nhật N1.
T - Time-Related (hoặc Time-Bound) - Thời hạn
Mục tiêu của bạn đi kèm với thời hạn có khung thời gian cụ thể gắn liền với nó. Điều này giúp bạn định hướng rõ ràng những hành động trong từng mốc thời gian để bạn có thể hoàn thành mục tiêu hoặc điều chỉnh mức độ phấn đấu (nếu trễ nhịp) trong quá trình thực thi.
SMART đã là một khung thiết lập mục tiêu thành công trong một thời gian dài vì nó dễ hiểu, dễ hành động và dễ theo dõi. Sức mạnh của các mục tiêu nói chung nằm ở cách chúng tạo ra cả một kế hoạch hành động cho điều mà chúng ta hướng tới. Xác định mục tiêu học tập phù hợp với năng lực giống như việc thiết kế một trang phục vừa vặn với bạn vậy. Vừa tôn lên vẻ đẹp của bạn, vừa lộng lẫy, thu hút và thành công trên bước đường bạn đi qua.
Để đạt được kết quả tốt nhất trong bất kỳ công việc hay quá trình học tập, bạn cần phối hợp giữa năng lực bản thân và mục tiêu hiện thực. Hai yếu tố này phải giao thoa với nhau và mục tiêu SMART sẽ hỗ trợ bạn làm điều đó. Việc xác định mục tiêu học tập phù hợp với năng lực giúp bạn đi nhanh hơn, đi đúng đường và thành công.