Gom, cái tên được sinh ra nghe thoáng qua thì có vẻ như sự tham lam đang thống trị cái hàm ý chính, nhưng khi nghe kể rồi thì thấy Gom chỉ gói gọn những điều sẻ chia và những chất liệu bình dị nhất của cuộc sống.
Về Sài Gòn, trọn vẹn nhất là được ngồi cà phê với những người bạn cũ, để kể chuyện nhau nghe như tri kỉ lâu ngày gặp lại. Gặp người bạn trẻ và chuyến Hành trình mang tên Gom đã thắp ngọn lửa ấm trong trái tim tôi giữa những ngày Sài Gòn trở lạnh. Một cuộc hành trình đánh dấu tuổi 28 của Phạm Công Luật, chàng trai trẻ quê ở xứ Cùa, Quảng Trị.
Con người vốn trải qua từng giai đoạn trưởng thành và chắc chắn mỗi giai đoạn đều mang lại những câu chuyện đáng nhớ để nhắc về. Luật kể rằng hồi còn là học sinh cấp ba, cuối năm tổng kết là học lực yếu, hạnh kiểm trung bình, đến khi vô đại học thì cũng mê chơi, rồi tốt nghiệp ra làm du lịch, lương văn phòng, sáng đi chiều về như phần lớn công nhân viên chức lao động.
Từ chuyến đạp xe xuyên Việt
Năm 2020 là thử thách với tất cả mọi người thì lại là một năm bội thu của Luật, nhờ đợt phong tỏa vì dịch Covid mà chàng trai đã đưa ra một quyết định nghe có vẻ điên cuồng, táo bạo nhưng thực tế lại là một bước chuyển mình làm nên sự thay đổi lớn trong cuộc đời của chàng anh thanh niên trẻ. Hành trình đạp xe xuyên Việt của Luật đã trở thành một vụ mùa bội thu lớn trong cuộc đời cùng với hành trình Gom của anh.
Những tác phẩm của nhà văn học Nga Lép Tôn-xtôi về sự chia sẻ và che chở của con người với nhau, chân lý và con đường đấu tranh bất bạo động của người cha già vĩ đại Mahatma Gandhi, sự hiểu và thương trong những tập sách của sư thầy Thích Nhất Hạnh, là nguồn cảm hứng để Luật thực hiện chuyến hành trình đạp xe dọc miền đất mẹ của mình. Ngoài ra, Chủ nghĩa tối giản cũng là một phần anh thực hiện và theo đuổi trong suốt chuyến đi.
Ban đầu, chàng trai nghĩ chuyến đi này sẽ mang lại cho anh những trải nghiệm, khám phá mới về những vùng đất khác nhau dọc trên miền tổ quốc Việt Nam, thế nhưng sau hai ngày cuộc hành trình bắt đầu thì câu chuyện của Gom được viết đoạn mở đầu.
Tôi vẫn còn nhớ ánh mắt và biểu lộ cảm xúc trên gương mặt của Luật khi kể về sự ra đời của Gom, sự áy náy khi nhìn thấy từng bãi rác lớn nhỏ trên những con đường và khu dân phố đi qua, có những đêm mất ngủ cũng vì áy náy ấy. Anh bạn trẻ nhíu mày: “Mình cảm thấy áy náy và tự trách mình khi nhìn thấy những bãi rác trên đường đi nhưng không đủ can đảm dừng xe để dọn”.
Đến chương đầu của Gom
Sau nhiều lần áy náy mỗi đêm, người bạn trẻ đã quyết định dập tắt sự khó chịu này. “Đạp tới Hàm Thuận Nam, mình gạt chống xe và cứ bước xuống dọn sạch bãi rác. Một lát sau thì có một anh thanh niên mang lon bò húc đến mời mình, cảm ơn, rồi đi”. Luật nhìn vào ánh mắt tôi và nhẹ nhàng nói lời của anh như truyền cho tôi sự nhẹ nhàng trong lòng của chính mình. Tôi cũng nhẹ nhàng thở một cái phào, cười một cái với chàng trai coi như là gói quà duy nhất tôi có thể trao ngay lúc này, rồi hai chúng tôi im lặng nhìn những con lá nhỏ rơi giữa lòng đường giữa dòng xe cộ qua lại, và giữa hai con người trẻ kể chuyện nhau nghe.
Mỗi chuyến đi dù xa dù gần đều mang lại những cuộc hội ngộ nhân duyên giữa những con người có cùng nguồn sóng năng lượng phát ra trong suy nghĩ và phong cách sống của họ. Ngụm cà phê đá còn chưa nuốt qua cuống cổ, chàng trai đã gấp nói: “Cứ đi để truyền sự tử tế, cứ tử tế với con người”. Cứ mỗi lần tôi nhìn vào ánh mắt anh bạn đang ngồi đối diện với mình là mỗi lần tôi thấy ngọn lửa của chính mình cũng nằm trong đôi mắt ấy.
Đi qua những con đường, gặp những con người tử tế, họ hiểu những việc Luật đang làm, họ cảm nhận được sự tử tế trong con người anh bạn, rồi họ trao yêu thương cho anh. Họ mời cơm anh ăn, họ cho chỗ anh ngủ, họ tặng những câu chuyện của cuộc đời mình cho anh, họ giúp khi anh gặp khó khăn, hay chỉ là những nụ cười và cái vẫy tay đầy trìu mến mà người ta đã trao cho Luật trong suốt cả cuộc hành trình, với sự tử tế và yêu thương.
Đi đến đâu Gom đến đấy. Gom đã trở thành một phần linh hồn những vùng đất mới và trong cả con người của anh bạn trẻ. Những khu dân phố đã từng là bãi chiến trường của rác, nhờ Gom đi qua mà giờ có thể là những bãi sân bóng cho bọn con nít ở vùng. Những mảnh đất từng là nỗi sợ khứu giác của người qua lại, nhờ Gom mà có thể giờ đã thành những vườn hoa mang nhiều sắc màu cho mỗi ngày. Những khu nhà của đàn chuột lớn chuột bé trong đống rác này đến đống khác, tưởng tượng bây giờ là nơi của bướm và hoa.
Lan tỏa làn sóng Gom
Như Luật với tôi: “Mình cứ làm tròn bổn phận của mình, làm gì được cứ làm, cứ làm những thứ mình cho là đúng và hợp đạo đức, gom chỉ là gom rác, gom và phân loại rác để gọn và làm đẹp khu đất, còn việc xử lý rác là việc của một bộ phận khác. Sức lực của mình đến đâu thì làm đến đấy, đôi khi hi vọng cho một điều hoàn hảo lại khiến chúng ta quên mất giá trị cơ bản mà cá nhân chúng ta có thể tạo ra cho một vấn đề cần giải quyết trước mắt”.
Làn sóng Gom của Luật đã chạm đến nhiều người trẻ trên khắp đất nước. Tuy không có sự hiện diện của Luật ở nhiều nơi, nhưng câu chuyện và sự có mặt của Gom đã xuất hiện nơi trên khắp đất nước, nhiều người trẻ tự phát động và hội tụ với nhau để dọn rác, từ vùng nông thôn đến thành thị. Câu chuyện của Gom đã mang nhiều sự tử tế gặp nhau làm nên một tình yêu thương lớn giữa con người với con người, giữa con người và thiên nhiên.
Bây giờ, Gom không chỉ là gom rác nữa, hành trình của Gom đã trở thành hành trình của sự chia sẻ và giúp đỡ nhau, như tâm hồn của chàng trai không vị kỉ, Luật đã gửi tuổi trẻ của mình vào những ngày trồng rừng, những lần chung tay giúp đỡ người dân vùng lũ, chia sẻ cơm áo gạo tiền với bà con và trẻ em miền Trung.
Tôi ngồi chỉ lắng nghe vì thực ra tôi chẳng có gì để nói vì câu chuyện của Gom đã kể sang câu chuyện của chính tôi. Ánh mắt của chàng trai nói lên sự bao dung của một con tim trẻ. “Chúng ta không cần làm những điều lớn lao để cứu cả thế giới, cứ làm những việc nhỏ, đi theo tiếng gọi trái tim mình”, Luật vỗ tay vào lòng ngực và nói thêm, “Khi làm những việc tử tế, mình phải nói lên cho mọi người cùng biết, không phải để khoe khoang mà để truyền sự tử tế đến nhiều người, để hành động tử tế cũng được thể hiện nhiều hơn”.
Nỗi niềm của hai người bạn trước hai ly cà phê giữa dòng người hối hả, một ước mơ rằng cả nhân loại sẽ chỉ được tiếp cận những điều tử tế qua thực tế lẫn cả những phương tiện truyền thông ngày nay, vì chính những khi con người được tiếp thu những điều tử tế và lương thiện, những suy nghĩ và việc làm có ích sẽ được thấy hơn. Những điều con người nghe và thấy hằng ngày chính là nguồn “thức ăn vô hình” nuôi dưỡng tâm thức và thái độ, và hành động của chính mình. Thức ăn sạch sẽ mang lại tâm hồn sạch cho chúng ta. Và đó là những việc mà hành trình của Gom muốn truyền đến tất cả mọi người, sự tử tế và yêu thương.
Gom ấp ủ một ngày chuyến đi gom rác và lan tỏa yêu thương của mình không chỉ dừng lại ở Việt Nam, mà một ngày nào đó, hành trình của Gom sẽ được đến nhiều nơi trên thế giới. Nhưng dù đi xa đến đâu chăng nữa, chàng thanh niên kể chuyện tôi nghe ngày hôm nay sẽ vẫn trở về với đất mẹ của mình vì tình yêu quê hương và tâm huyết cống hiến cho giáo dục của đất nước.
Cuối cùng, Luật nhận ra rằng Hành trình Gom không chỉ là để giải thoát và nâng đỡ mẹ thiên nhiên của chúng ta, mà Gom đã giúp anh khám phá con người mình, anh gom biết bao sự tử tế của con người khác nhau và gói gém yêu thương đông đầy trong trái tim mình để chia sẻ và yêu thương nhiều hơn.