Vào năm 1997, Warren Buffett, nhà đầu tư khét tiếng, đồng thời cũng là một tỉ phú, đã từng đặt ra một bài toán hóc búa cho nhân loại rằng, “Hãy tưởng tượng hiện tại là 24 giờ đồng hồ trước lúc bạn được sinh ra” – ông nói “và một vị thần đèn xuất hiện trước mặt bạn.” – “Vị thần này nói rằng, bạn có thể quyết định các quy luật vận hành xã hội mà bạn chuẩn bị bước chân vào, bạn ước gì thì sẽ được nấy, bạn phải kiến tạo nên các chuẩn mực xã hội, các quy tắc về kinh tế, về bộ máy chính phủ. Và những quy tắc đó sẽ trường tồn cùng với năm tháng của bạn, của con bạn, và của cháu bạn.”
“Nhưng cũng có một vài rủi ro.” – ông tiếp tục,
“Bạn không biết chắc bản thân sinh ra sẽ là người giàu có, hay nghèo túng, là nam hay là nữ, tật bệnh hay khỏe mạnh, sinh ra tại Mỹ hay tại Afghanistan. Tất cả những gì bạn biết đó chính là bạn buộc phải lấy ra một trái bóng trong một chiếc rổ có chứa tới 5.8 tỉ quả bóng tương tự như thế. Và đó chính là số mệnh cuộc đời bạn. Hay nói cách khác, bạn sẽ bước chân vào một thử thách mang tên Xổ số Buồng trứng (Ovarian Lottery). Và đó chính là điều quan trọng nhất sẽ xảy đến với bạn trong cuộc đời này. Nó quyết định không chỉ dừng tại việc bạn sẽ vào ngôi trường nào, bạn sẽ phải làm lụng vất vả ra sao. Tất cả những điều như thế.”
Buffett từ lâu đã đề cao vai trò của sự may mắn đối với thành công. Trong bức thư dành cho cuộc họp cổ đông thường niên (nguyên văn: Annual Letter) năm 2014, ông đã từng viết rằng, “Nhờ vào sự may mắn đến kỳ cục, (đối tác của tôi) Charlie và tôi, đã được sinh ra tại nước Mỹ, chúng tôi sẽ mãi biết ơn vì những lợi thế đáng kinh ngạc mà số phận đã mang lại cho chúng tôi.”
Nếu giải thích từ góc độ như vậy, ta khó có thể khước từ tầm quan trọng của vận mệnh, của tính may rủi, và phước lành trong cuộc sống. Quả thực, những yếu tố này luôn nắm giữ các vai trò chủ chốt.
Hãy cùng tôi tiếp tục xem xét về câu chuyện thứ hai.
Câu chuyện về Dự án ngầm 523
Năm 1969, vào thời kỳ 14 năm kháng chiến Việt Nam, một nhà khoa học người Trung Quốc có tên Tu Youyou được bổ nghiệm làm trưởng bộ phận của một nhóm nghiên cứu bí mật tại Beijing. Bộ phận này được gọi với biệt hiệu là Dự án 523.
Trung Quốc lúc bấy giờ là đồng minh của người Việt, dự án 523 được triển khai với mục tiêu sáng chế thuốc trị sốt rét cho các chiến sĩ Việt Nam. Căn bệnh này đã trở thành một vấn đề nan giải. Người Việt chết như ngả rạ trên núi rừng vì sốt rét.
Tu bắt đầu bắt tay vào tìm tòi đầu mối trị bệnh ở bất kỳ nguồn nào cô có thể tiếp cận được. Cô đọc về các bài thuốc dân gian được người đời chép tay, cô tìm tòi các tài liệu cổ với tuổi đời lên tới hằng trăm hàng nghìn năm, cô đi sang khắp các vùng hẻo lánh để tìm các loại thực vật có thể lấy làm thuốc trị.
Một tháng sau, đội ngũ của dự án đã thu thập được hơn 600 mẫu thực vật, thiết lập nên một danh sách với hơn 2000 liệu pháp chữa bệnh. Tu tiến hành một cách chậm rãi, và cẩn trọng, để giới hạn lại danh sách xuống còn 380, cô thử nghiệm từng liệu pháp một trên chuột thí nghiệm.
“Đây là giai đoạn mang tính thử thách nhất của dự án.” Cô nói, “Đó là một nhiệm vụ khó nhọc và tẻ nhạt, đặc biệt là khi bạn thất bại hết lần này tới lần khác.”
Hàng trăm cuộc thí nghiệm đã được tiến hành, đa phần đều không mang lại kết quả. Nhưng có một thí nghiệm – tinh chất được chiết xuất từ loại cây thuộc chi ngải ngọt có tên gọi là Qinghao – có vẻ đầy hứa hẹn.
Tu cực kỳ hào hứng, tuy nhiên, dẫu cô có nỗ lực ra sao, loại cây này chỉ thỉnh thoảng mới điều chế được thành dược phẩm trị sốt rét, không phải khi nào cũng bào chế được. Công cuộc thí nghiệm này đã kéo dài tận 2 năm trời ròng rã, nhưng cô vẫn quyết định bắt đầu lại từ đầu.
Tu xem xét lại mọi cuộc thử nghiệm, đọc lại từng cuốn sách một, tìm kiếm đầu mối mà cô có thể đã bỏ lỡ. Kế đó, kỳ diệu thay, cô dừng tại một câu đơn xuất hiện trong cuốn sách Cẩm nang Kê thuốc cho các trường hợp khẩn cấp (nguyên văn: The Handbook of Prescriptions for Emergencies), một cuốn tài liệu cổ của Y học Trung Hoa được viết cách đây 1500 năm.
Vấn đề nằm ở việc gia nhiệt. Nếu sử dụng mức nhiệt quá cao trong suốt quá trình chiết xuất, các hoạt chất có trong chi ngải ngọt có thể sẽ bị phá hủy. Tu thử thiết lập lại công cuộc thí nghiệm, cô sử dụng dung môi có điểm sôi thấp, và cuối cùng, cô đã thành công có được một phương thuốc trị sốt rét có thể bào chế được bất cứ khi nào. Đó là một giai đoạn mang tính đột phá, nhưng thử thách lần này cũng chỉ vừa mới bắt đầu.
Sức mạnh của sự Chăm chỉ
Với đơn thuốc đã qua kiểm chứng trong tay, đã đến lúc thử nghiệm lên con người. Không may, vào thời điểm đó, chưa có một trung tâm nào tại Trung Quốc hỗ trợ tổ chức các cuộc thí nghiệm thử thuốc mới.
Và bởi tính bảo mật của dự án, đội nghiên cứu không thể thử nghiệm ở các cơ sở khác nằm ngoài thành phố. Mọi chuyện đã đi đến ngõ cụt. Và đó là khi Tu tình nguyện trở thành người đầu tiên thử thuốc – một trong nước đi táo bạo nhất của lịch sử nhân loại, cô cùng với hai thành viên khác của dự án 523 để bản thân lây bệnh sốt rét, và thử tiêm những liều đầu tiên của phương thuốc mới.
Nó đã thực sự hiệu quả.
Tuy nhiên, với thành quả đáng kinh ngạc và sự liều lĩnh quên mình đẩy bản thân lên bờ vực sinh tử, Tu không được phép công bố những phát hiện của mình ra ngoài thế giới. Chính phủ Trung Quốc lúc bấy giờ có vô càn các điều luật nghiêm ngặt, cấm cản mọi phát hiện khoa học được công bố ra ngoài.
Cô không hề thoái chí nản lòng, mà vẫn tiếp tục công cuộc nghiên cứu, tìm tòi về kết cấu hóa học của phương thuốc – một hợp chất sau này được biết đến với tên gọi chính thức là Artemisinin – và tiếp tục phát triển phương thuốc trị sốt rét thứ hai.
Chỉ cho đến năm 1978, gần một thập kỷ sau khi cô bắt đầu bào chế thuốc, tức ba năm kể từ khi thời kỳ chiến tranh Việt Nam cuối cùng cũng đi đến hồi kết, thành tựu của Tu mới được công bố trước toàn thế giới. Cô phải đợi đến tận năm 2000, khi tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị sử dụng phương thuốc này để điều trị chứng sốt rét.
Ngày nay, phương pháp kê đơn với Artemisinin đã được lan truyền tới hơn một triệu bệnh nhân mắc chứng sốt rét. Nó đã cứu được hàng triệu sinh mệnh.
Tu Youyou là người phụ nữ Trung Quốc đầu tiên được nhận giải Nobel danh giá, và cũng là công dân Trung Quốc đầu tiên được trao giải Lasker Award dành cho những thành tựu then chốt của nền Y học.
Là vận may hay sự chăm chỉ?
Tu Youyou không phải là một người hội tụ đủ mọi yếu tố may mắn.
Một trong những thông tin tôi yêu thích nhất của cô đó chính là, cô không có bằng cấp đào tạo sau Đại học, không có kinh nghiệm nghiên cứu tại nước ngoài, không phải thành viên của bất kỳ học viện quốc gia nào – một đặc điểm đã mang lại cho cô thứ biệt danh là “Giáo sư 3 Không”.
Nhưng quả thật, cô ấy là một người vô cùng chăm chỉ, vô cùng kiên trì, cần cù và tràn đầy quyết tâm. Cô chưa lần nào bỏ cuộc qua hàng thập kỷ, và nhờ đó, cô đã cứu được cả triệu sinh mệnh. Câu chuyện về cô là một ví dụ đắt giá về tầm quan trọng của sự chăm chỉ đối với việc gặt hái được thành công.
Chỉ mới có vài phút trước, có vẻ tương đối hợp lý khi Xổ số Buồng trứng kia quyết định phần lớn thành công của đời người, nhưng có phải hay không sự chăm chỉ cũng đóng một vai trò quan trọng tương tự như thế. Khi bạn làm việc chăm chỉ, thành tựu thu về ắt sẽ đắt giá hơn so với việc không thực sự đầu tư công sức.
Chúng ta khó có thể bác bỏ tầm quan trọng của sự may mắn, nhưng hầu hết tất cả mọi người lại đều cho rằng, làm việc chăm chỉ chắc chắn sẽ mang lại những đổi thay.
Vậy nguyên cớ là do đâu? Yếu tố nào quyết định sự thành bại của cả một đời người? Là sự chăm chỉ hay là vận may? Là sự nỗ lực hay tính ngẫu nhiên?
Tôi cho rằng, chúng ta ai cũng hiểu được rằng yếu tố nào cũng đóng một vai trò quan trọng của riêng nó, nhưng tôi xin được đưa ra một đáp án còn tốt hơn so với lời giải “Còn tùy.”
Thành công tuyệt đối và Thành công tương đối
Vận may quan trọng hơn khi xét đến thành công tuyệt đối. Sự chăm chỉ quan trọng hơn khi xét đến thành công tương đối.
Phương diện tuyệt đối cân nhắc mức độ thành công của chúng ta so với những người khác. Điều gì làm nên một cá nhân tài giỏi nhất thế giới xét trên một lĩnh vực cụ thể nào đó? Khi nhìn nhận ở cấp độ này, thành công gần như luôn đi đôi với sự may mắn.
Kể cả khi ta đưa ra một lựa chọn ban đầu tốt đến đâu – như cách Bill Gates đã lựa chọn thành lập một doanh nghiệp chuyên về máy tính – ta vẫn khó có thể hiểu được tất cả các yếu tố làm nên thành tựu xứng tầm thế giới.
Theo quy tắc thông thường, thành công càng lớn, thì bối cảnh tạo nên thành công đó sẽ càng khốc liệt, xác suất xảy ra càng thấp, thường sẽ là sự kết hợp của các yếu tố di truyền, các mối nối thích hợp, thời điểm thích hợp và hàng ngàn yếu tố khác mà không ai có đủ khôn ngoan để lường trước và nắm bắt được toàn bộ.
Thành công mang tính tương đối lại cân nhắc mức độ thành công dựa trên những người có điều kiện giống với chúng ta. Vậy sẽ ra sao với hàng triệu người có cùng trình độ học vấn, sinh sống trong cùng một khu vực, hoặc sinh ra đã được di truyền những biệt tài tương tự nhau?
Thành tựu họ đạt được là mỗi người mỗi khác.
Khi phạm vi của sự so sánh càng mang tính cục bộ, thành công lại càng được quyết định bởi sự chăm chỉ. Khi bạn so sánh bản thân với những người có cùng điều kiện may mắn như bạn, sự khác biệt sẽ nằm ở những thói quen và sự lựa chọn.
Thành công tuyệt đối là vận may.
Thành công tương đối là kết quả của những lựa chọn và hành vi mỗi người.
Định nghĩa này tiềm ẩn một nhận thức quan trọng phát sinh một cách tự nhiên rằng: Khi thành quả đạt được càng lớn, vai trò của sự may mắn càng tăng cao. Cụ thể, khi ta càng trở nên thành công xét trên phương diện tuyệt đối, ta càng có xu hướng quy thành công đạt được phần lớn là nhờ yếu tố may mắn. Như tác gia Nassim Taleb đã từng viết trong cuốn sách Fooled by Randomness (Trò đùa của sự ngẫu nhiên) của mình rằng, “Thành công trung bình có thể được lý giải dựa trên kinh nghiệm và sức lao động. Thành công vĩ đại còn phụ thuộc vào sự khác biệt.”
Khía cạnh nào cũng đúng cả
Đôi khi, con người ta sẽ mang trong mình đồng thời cả hai nhận thức như vậy. Ta có xu hướng đánh giá về những thành quả dựa trên góc độ toàn cầu, hoặc giới hạn khoanh vùng.
Phương diện tuyệt đối sẽ mang tính toàn cầu hơn. Điều gì lý giải cho sự khác biệt giữa một người giàu có sinh ra tại nước Mỹ và một người nghèo túng bần hàn, chỉ tiêu có hơn 1 đô la mỗi ngày? Khi ta đánh giá về thành công dựa trên góc độ này, ta sẽ nói những điều như, “Tại sao anh không nhìn vào những lợi thế mình đang có? Anh không nhận ra rằng bản thân mình đã được số phận an bài chu toàn ra sao ư?”
Phương diện tương đối lại mang tính khoanh vùng. Điều gì lý giải cho sự khác biệt giữa chúng ta và những người cùng ta học chung một ngôi trường, cùng ta lớn lên trong một địa phương, cùng ta làm việc trong một doanh nghiệp? Khi nhìn nhận thành công dựa trên quan điểm bộ phận, người ta sẽ nói, “Anh đang đùa tôi đó hay sao? Anh có biết tôi đã làm lụng vất vả ra sao không? Anh có hiểu nổi những sự lựa chọn và hy sinh tôi đã chấp nhận mà những người khác thì không? Đánh giá thành công dựa trên sự may mắn là đã hạ thấp sự nỗ lực của tôi rồi. Nếu tôi thành công dựa vào điều kiện thuận lợi hay sự may mắn, thì tại sao những người như hàng xóm, đồng nghiệp, hay bạn cùng lớp lại không đạt được những thành tựu như tôi?”
Khía cạnh nào cũng đúng cả. Còn tùy thuộc vào cách bạn nhìn nhận cuộc đời qua lăng kính ra sao.
Thành công và đường cong tọa độ
Có một phương pháp khác để đánh giá được cán cân giữa yếu tố may mắn và sự chăm chỉ.
Thành công sẽ chịu ảnh hưởng ra sao khi năm tháng bào mòn?
Hãy tưởng tượng rằng, bạn có thể biểu thị mức độ thành công của mình trên một biểu đồ nọ. Thành công được lấy đơn vị trên trục Y. Thời gian là trục X.
Và khi bạn được sinh ra, quả bóng bạn lấy ra từ Xổ số Buồng trứng theo lý thuyết của Buffett sẽ quyết định điểm chặn Y.
Những người được sinh ra cùng với sự may mắn có xuất phát tọa độ điểm cao hơn trên tấm biểu đồ. Những người được sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn ngặt nghèo hơn sẽ ở tọa độ thấp hơn.
Vấn đề chủ chốt chính là: Bạn chỉ có thể điều khiển đường cong tọa độ của thành công, nhưng không thể đả động tới xuất phải điểm của mình.
Không quan trọng vào lúc này bạn thất bại hay thành công ra sao, điều cốt yếu chính là thói quen của bạn đã đinh vị bạn tại đâu trên cung đường hướng tới thành công.
Bạn nên chú tâm nhiều hơn tới lộ trình của mình, thay vì những thành tựu hiện tại. Cùng với lộ trình phát triển, hướng tới thành công và đầy đủ thời gian cũng như sự nỗ lực, bạn thậm chí còn có thể vun đắp lại nền tảng ban đầu khi sinh ra đã thiếu vận may.
Câu trích dẫn sau có thể tóm lược lại điều đó: “Càng nhiều thời gian trôi qua khi tính từ xuất phát điểm, vạch xuất phát này càng trở nên không quan trọng nữa.”
Tất nhiên, điều này không phải khi nào cũng đúng. Một căn bệnh nguy hiểm có thể tước sạch sức khỏe của bạn. Một quỹ hưu trí trục trặc có thể nuốt gọn từng đồng tiết kiệm trước đó. Cũng tương tự như thế, đôi khi sự may mắn sẽ mang lại một lợi ích bễn vững (hoặc cả những bất lợi).
Trên thực tế, một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nếu thành công được đo lường bằng sự giàu có, thì những người thành công nhất trên đời gần như chắc chắn sẽ là những người có tài năng ở mức độ khiêm tốn, và vận may cực lớn.
Trong bất kỳ trường hợp nào, ta khó có thể tách rời cả hai yếu tố này. Chúng đều quan trọng như nhau, nhưng sự chăm chỉ sẽ đóng một vai trò tất yếu hơn trên thước đo thời gian.
Điều này đúng không chỉ xét tới việc vượt qua vận rủi, mà còn đúng khi con người ta biết tận dụng vận may.
Bill Gates có lẽ đã cực kỳ may mắn khi thành lập Microsoft vào đúng thời điểm trong dòng chảy của lịch sử nhân loại, nhưng nếu thiếu đi hàng thập kỷ miệt mài làm việc, phải chăng cơ hội đó có lẽ đã bị bỏ phí?
Thời gian có thể bào mòn hết thảy mọi lợi thế.
Ở một góc độ nào đó, vận may đòi hỏi phải đi đôi với sự chăm chỉ nếu muốn đạt được thành công lâu bền.
Làm thế nào để kéo vận may đứng về phía bạn?
Nếu xét về định nghĩa của vận may, nó hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của con người.
Dẫu có như vậy, thấu hiểu được vai trò của vận may, cũng như quy luật vận hành của nó có thể vô cùng hữu ích đối với việc đón nhận những lợi thế sắp đến (và cả những điềm rủi nữa)
Nhà toán học kiêm kỹ sư máy tính, Richard Hamming, đã từng nói rằng, “Quả thật đúng là có tồn tại yếu tố may mắn, hoặc cũng có thể là không.” Một tâm trí đã có sự chuẩn bị trước, sớm hay muộn gì cũng sẽ tìm được một điều gì đó quan trọng và thực hiện nó. Và đó chính là vận may. Một điều bạn bắt tay vào làm chính là vận may. Nhưng việc bạn có làm hay không thì không thể gọi là vận may được.
Bạn có thể soi đường dẫn lối để vận may đến với mình bằng cách bắt tay vào hành động. Những người biết tìm tòi và khám phá mới đầu sẽ đặt chân tới vô vàn các mảnh đất cằn cỗi, nhưng nếu không thoái chí nản lòng, họ vẫn có khả năng vào một thời điểm nào đó, sẽ phát hiện được những mảnh đất đầy rẫy quả ngọt, thay vì người chỉ biết ru rú ở nhà.
Cũng tương tự như thế, những người làm việc chăm chỉ, biết theo đuổi những cơ hội, biết chấp nhận mạo hiểm có thể sẽ gặp được vận may của đời mình, thay vì những người chỉ biết chờ đợi.
Gary Player, một tay gôn nổi tiếng, đã từng chiếm 9 giải vô địch, cho rằng, “Tôi càng luyện tập chăm chỉ ra sao, vận may của tôi càng lớn.”
Suy cho cùng thì, chúng ta không thể kiểm soát nổi số phận – là vận may hay là vận rủi – nhưng ta hoàn toàn có thể kiểm soát mọi nỗ lực và sự chuẩn bị của bản thân mình.
Vận may luôn mỉm cười với tất cả chúng ta, luôn theo sát bước chân ta.
Và khi nó xuất đầu lộ diện, ta cần phải biết trân trọng vận may của mình, bằng cách làm việc chăm chỉ, và biết cách để tận dụng nó.
Ban Biên Tập YOURE Blog
Nguồn: ToMo Learn Something New
Tác giả: JAMES CLEAR
Link bài gốc: Absolute Success is Luck. Relative Success is Hard Work.
Dịch giả: Trần Ngọc Phương Thư - ToMo Learn Something New
(*) Bản quyền bài dịch thuộc về ToMo. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Dịch Giả: Trần Ngọc Phương Thư - Nguồn: ToMo Learn Something New ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: "Theo ToMo" hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.