Ý CHÍNH
- Một người dễ thấu cảm rất dễ bị người khác thao túng cảm xúc.
- Vạch ra ranh giới lành mạnh có thể giúp bạn bảo vệ bản thân khỏi những người muốn lợi dụng lòng tốt của bạn.
- Cẩn thận với những người ái kỷ (narcissistic) - họ thường lạm dụng bản chất dễ thấu cảm của những người khác.
- Hiểu được động lực học quan hệ (relational dynamics) có thể giúp bạn duy trì những giới hạn đã đặt ra.
Những người có bản chất tốt thường rộng lượng, vị tha và dễ đồng cảm.
Thế nhưng, nếu bạn nằm trong số đó, và bạn quá tốt bụng, thường xuyên giúp đỡ và tin tưởng người khác nhanh chóng, bạn có thể dễ dàng rơi vào bàn tay thao túng bởi một kiểu người cụ thể, và lý do chính là, dù sự thấu cảm và tận tâm đều là những món quà góp phần xây dựng nên trí tuệ xúc cảm, nhưng chúng cũng có thể bào mòn những ranh giới của bạn đó. Điều này có thể khiến bạn phải trả giá về lâu về dài.
Dưới đây chính là bốn chiến lược giúp một người dễ đồng cảm duy trì được những ranh giới lành mạnh.
Đừng mở lòng với người khác quá sớm
Trước hết, bạn nên tránh mở lòng quá nhanh chóng.
Những người tử tế và dễ đồng cảm thường đối xử với mọi người vô cùng chân thật và hết lòng. Có thể nói rằng, họ không thể che giấu cảm xúc thật của mình. Mong muốn được kết nối có thể sẽ khiến họ nhanh chóng tiết lộ nhiều chi tiết liên quan đến vấn đề cá nhân. Thông thường thì điều này cũng tốt thôi. Tuy nhiên, họ vẫn có thể bị người khác lợi dụng từ đó.
Ví dụ: giả sử Sally tham gia một đội quần vợt. Cô rất khao khát được chấp nhận vào đội và hòa nhập với mọi người. Một trong những thành viên trong đội mời cô đến sau một trận đấu và Sally vô cùng vui mừng và tự hào. Người đồng đội hỏi Sally lý do tại sao cô không hẹn hò với ai hết. Sally mở lòng và kể về trải nghiệm hẹn hò đầy đau thương của mình. Người bạn ấy hỏi những câu hỏi vô cùng chi tiết, nên Sally đã chắc mẩm rằng người bạn đó quan tâm và thế là cô đã giải thích cặn kẽ về cuộc gặp mặt đầy trắc trở ấy.
Ngày tập luyện tiếp theo, những người đồng đội của cô ấy đều thể hiện thái độ lạnh nhạt và thiếu thân thiện với cô. Cô tự hỏi không biết mình đã làm sai điều gì. Tuần tiếp theo đó, một vài thành viên trong đội đùa giỡn với nhau và một người đã gọi Sally là “cô gái bị bỏ thuốc”. Sally cảm thấy sốc và kinh tởm. Cô nhận ra người bạn kia đã bóp méo câu chuyện của mình và kể nó cho cả đội khi chưa được cô cho phép lúc cô không có ở đấy. Trong trường hợp này, Sally đáng ra nên đợi để chắc chắn rằng người bạn mới ấy đủ an toàn và đáng tin cậy trước khi tiết lộ những trải nghiệm cá nhân không mấy vui vẻ.
Chỉ nhận lời giúp đỡ ai đó khi việc đó không mang lại hậu quả gì đó
Thứ hai, bạn chỉ nên đồng ý cho đi một ân huệ nếu nó không mang lại hậu quả gì cho bản thân bạn hoặc người thân yêu của bạn.
Ví dụ, giả sử Jane nhờ Molly dẫn chó của cô đi dạo bởi vì cô quyết định sẽ kéo dài kỳ nghỉ thêm một ngày nữa. Molly cũng muốn giúp cô, nhưng cô đã hứa với con gái Mary của mình sẽ đi vào thành phố để tham dự một buổi triển lãm nghệ thuật. Cô đang rất mâu thuẫn. Cô ấy sợ rằng nếu mình từ chối thì sẽ khiến Jane tức giận. Tuy nhiên, cô cũng nhận ra rằng nếu cô hủy chuyến đi thì sẽ làm tổn thương cảm xúc của con gái mình.
Molly nói với Jane rằng cô cũng rất muốn giúp nhưng cô ấy đã có kế hoạch rồi. Jane lại từ chối câu trả lời “không” từ cô và giải thích mong muốn được đi nghỉ thêm một ngày nữa. Cô nài nỉ Molly tìm người nào đó chăm sóc cho chú chó của cô. Molly nhận ra đây vốn là trách nhiệm của Jane và việc đồng ý tìm giúp Jane một người chăm sóc thú cưng có thể khá rủi ro vì nếu Molly không tìm được ai thì cô sẽ phải chịu trách nhiệm chăm sóc chúng. Molly thấy khá áp lực, nhưng cô vẫn trịnh trọng nhấn mạnh lại câu trả lời của mình: “Mình xin lỗi Jane, nhưng mình và Mary đã có kế hoạch rồi.”
Việc giúp đỡ một người bạn là quan trọng khi một người thật sự rảnh rỗi và có khả năng, thế nhưng hỗ trợ người khác không nên lấn át những cam kết cá nhân mà nếu bỏ qua có thể tác động tiêu cực đến các mối quan hệ, công việc, hay thậm chí cuộc sống. Việc nhắc lại giới hạn một cách trịnh trọng có thể là cần thiết với một người gây ra cảm giác tội lỗi nơi bạn.
Chỉ gánh trách nhiệm cho việc mình đã làm
Thứ ba, trong suốt một cuộc tranh cãi, bạn chỉ cần làm chủ phần trách nhiệm của mình đối với việc tạo nên hiểu lầm đó thôi.
Thông thường, một người có khả năng thấu hiểu chân thành và đáng tin cậy cũng sẽ hay cảm thấy ăn năn. Khi người đó nhận ra mình có sai sót, họ thường buộc mình phải sửa chữa nó bằng cách gánh trách nhiệm cho toàn bộ sự việc thay vì chỉ phần của mình. Họ khát khao lấy lại được sự kính trọng từ người mà họ làm phật ý, vậy nên họ ôm hết mọi lỗi lầm và để người kia thoát trách nhiệm.
Ví dụ, thử tưởng tượng Mary và Lisa quyết định tổ chức một bữa tiệc tốt nghiệp chung cho con gái của họ. Họ dự định tổ chức sự kiện ấy tại nhà Lisa bởi vì Lisa có sân sau rộng. Mary nhận thấy rằng Lisa sẽ cần phải chuẩn bị nhà và sân sau cho sự kiện nên cô đã nhận phụ trách phần đồ ăn thức uống và trang trí. Mary cũng rất thận trọng với danh sách khách mời của mình vì cô ấy muốn thể hiện sự tôn trọng Lisa.
Hai ngày trước buổi tiệc, Lisa gọi điện cho Mary và thông báo rằng cô đang quá choáng ngợp và buổi tiệc cần phải được diễn ra ở nhà của Mary. Mary khá thất vọng và phải chật vật để kịp điều chỉnh với sự thay đổi. Lisa không thể giúp đỡ phần chuẩn bị thức ăn và hầu như không giúp Mary dọn dẹp. Họ không nói chuyện với nhau trong vài ngày.
Cuối cùng, Lisa gọi cho Mary và giải thích rằng cô rất lo lắng về việc bố mẹ chồng đến dự tiệc. Cô nói: “Tớ đã phát hoảng lên và chỉ còn biết rằng tớ không thể nào đảm đương tổ chức bữa tiệc được.” Mary cảm thấy đồng cảm với Lisa bởi vì cô cũng có vài thành viên khó tính trong gia đình. Cô cũng xin lỗi rất nhiều vì lúc đầu đã để Lisa chịu gánh nặng này.
Thế nhưng, Lisa lại không thể tự chịu trách nhiệm của mình trong sự xung đột này. Cô ấy chỉ đơn giản chấp nhận lời xin lỗi của Mary chứ không hề biết đến sai lầm của mình. Mary vừa ngỡ ngàng vừa khó chịu nhưng cũng để chuyện qua đi. Và chuyện đó lại lặp lại một lần nữa tại tiệc tốt nghiệp của con trai họ vào năm sau.
Mary có thể lựa chọn đồng cảm với sự bất an của Lisa về bố mẹ chồng của cô ấy, và xin lỗi vì trước đó đã yêu cầu tổ chức tiệc ở nhà Lisa, ngoài ra cũng có thể nói với Lisa một cách tử tế rằng để phụ trách tất cả công việc và lo phục vụ thức ăn thì rất khó khăn và tốn kém cho cô. Cô ấy nói rằng buổi tiệc chung tiếp theo sẽ diễn ra ở nơi tổ chức tiệc. Mặc cho Lisa có thể sẽ không thể gánh vác phần việc của chính mình, Mary cố gắng không để bản thân rơi vào vị trí mất đi giá trị trong tình bạn này. Cô chỉ làm việc mình phải làm mà thôi. Lisa cũng nhận ra rằng mình không thể thao túng Mary nữa và tình bạn của họ được duy trì khi cả hai bên đều hiểu được giới hạn của người kia.
Đừng cho đi cơ hội thứ ba
Thứ tư, bạn không nên cho người người khác có được cơ hội thứ ba.
Một cá nhân khi làm tổn thương, phản bội hay thiếu tôn trọng một người khác có thể xứng đáng có cơ hội thứ hai. Nhất là khi họ thành tâm xin lỗi và thể hiện sự thấu hiểu rõ ràng ảnh hưởng mà sai lầm của họ đã mang đến cho người khác. Tuy nhiên, nếu hành động gây tổn thương đó xảy ra lần nữa, có lẽ đã đến lúc tránh xa người đó ra. Người đó đã chứng tỏ bản thân thiếu sự thấu hiểu và đáng được tin cậy thực sự. Thông thường, một người cảm thấy hối hận tột cùng sau một sai lầm mình gây ra sẽ tránh tái phạm nó bởi vì họ nhận thấy được tổn thương mà nó gây đến cho người khác. Một người giả vờ hối hận nhưng lại không thật sự cảm nhận điều đó sẽ tiếp tục gây tổn thương đến người khác.
Nghệ thuật tương tác giữa người với người đôi khi sẽ rất phức tạp với một kiểu tính cách nhất định. Sẽ có những người hay lợi dụng thông tin cá nhân, cảm giác tội lỗi để thao túng sự việc, không có khả năng chịu trách nhiệm trong một cuộc xung đột, và hết lần này đến lần khác gây tổn thương và phản bội bạn bè, đối với kiểu người như thế, bạn sẽ cần phải dựng lại và duy trì những ranh giới vững chắc. Người có bản chất dễ thấu cảm như bạn, có thể sẽ dễ bị thao túng cảm xúc hơn, vậy nên việc tạo ra những ranh giới lành mạnh ngăn sự lạm dụng và tạo ra sự cân bằng trong mối quan hệ, là vô cùng quan trọng, đặc biệt là để đối phó với những người muốn giành lấy quyền lực thao túng bạn.
Ban Biên Tập YOURE Blog
Nguồn: ToMo Learn Something New
Tác giả: Erin Leonard Ph.D.
Link bài gốc: How to Firm Up Your Boundaries While Keeping a Kind Heart
Dịch giả: Lê Hoàng Thảo Nguyên - ToMo - Learn Something New
(*) Bản quyền bài dịch thuộc về ToMo. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Dịch Giả: Lê Hoàng Thảo Nguyên - Nguồn: ToMo - Learn Something New". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: "Theo ToMo" hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.