Lê Hoàng Phong (29 tuổi) trưởng thành từ Làng trẻ em SOS TP.HCM vừa là 1 trong 4 thủ lĩnh trẻ tương lai Việt Nam được lựa chọn vào chương trình kết nối các nhà lãnh đạo tương lai (Future Leaders Connect Program), một chương trình chính sách toàn cầu của Hội đồng Anh.
Tham gia chương trình thủ lĩnh trẻ tương lai này là 63 bạn trẻ đến từ 13 quốc gia, được lựa chọn từ hơn 9.000 hồ sơ xuất sắc nhất trên toàn thế giới.
Từ cậu bé mồ côi…
“Năm tôi 18 tuổi, lần đầu tôi được cầm tờ giấy khai sinh của mình, nhưng chỉ thấy 2 chữ “chết” khô khốc ở cột cha, mẹ. Trong hồ sơ, người ta ghi tôi sinh ở ấp 4, xã Suối Ngô, H.Tân Châu, Tây Ninh, và mẹ mất khi tôi mới 24 ngày tuổi”, Phong xúc động.
Lớn lên dưới bàn tay của mẹ Hạnh ở làng SOS cùng những phần cơm, bịch sữa từ người cứu trợ ở khắp nơi, Phong không ngừng nỗ lực. Khoảnh khắc hai mẹ con bước vào cửa hàng mắt kính, gặp ánh mắt dè bỉu của nhân viên bán hàng, Phong quyết tâm phải thay đổi cuộc đời của mình.
Thi đậu ngành quốc tế học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, ngoài giờ học, anh làm đủ nghề. Ban ngày, Phong theo chân các chị trong làng đi bán vé số, tối thì đi trực lễ tân, quét dọn phòng cho khách sạn gần chợ Cầu, Q.Gò Vấp. Anh cũng là chân bán đồng hồ, nước hoa thuê rất nhanh nhẹn cho các cửa hàng gần Bến xe Miền Đông.
Lúc khác, Phong đi bưng bê bún bò thuê trên đường Trần Hưng Đạo, Q.1 rồi đi làm gia sư. Cuối năm, gần tết thì đi dọn nhà theo giờ cho những khu nhà giàu P.Thảo Điền, TP.Thủ Đức.
…tới phiên dịch viên
Mới vào ĐH, trình độ tiếng Anh của Phong rất tệ. Để có tiền cho mình đi học thêm ở một trung tâm, mẹ Hạnh phải đạp xe lọc cọc về tận Củ Chi mượn người dì một chỉ vàng, mang đi bán.
Từ năm thứ 2 ĐH, Phong được một người anh quen trong làng SOS cho đi làm trợ lý phiên dịch các sự kiện. Từ một người tiếng Anh bập bõm, Phong đĩnh đạc dịch cabin - kỹ năng phiên dịch cao nhất và tham gia rất nhiều sự kiện của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Tốt nghiệp ĐH, Phong xin được học bổng học thạc sĩ quản lý giáo dục tại Malaysia, ban ngày đi học, tối đi bán bánh mì kẹp chà bông, dưa leo. Biết đến chương trình Teach For Vietnam (thuộc mạng lưới Teach For All, có mặt ở 60 quốc gia trên thế giới, cải thiện giáo dục, mở ra cơ hội phát triển cho tất cả trẻ em) đang tuyển giáo viên tiếng Anh ở Tây Ninh, Phong trở về Việt Nam tham gia.
Chàng trai mồ côi là giáo viên tiếng Anh tại Trường THCS Chà Là và THCS Bàu Đăng, H.Dương Minh Châu, trên chính quê hương mình từng sinh ra.
Vì giáo dục là thay đổi cuộc đời
Phong vừa kết thúc hoạt động đào tạo trực tuyến trong chương trình Future Leaders Connect Program. Trong 6 tuần, anh và các nhà lãnh đạo tương lai khắp thế giới đã được tiếp xúc với các chuyên gia về chính sách, thông qua các phiên thảo luận, đào tạo, các buổi cố vấn của các nhà lãnh đạo cấp cao từ Vương quốc Anh.
Không ngừng tìm kiếm các cơ hội có được các học bổng để mở mang tầm nhìn, mang những kiến thức học được về áp dụng ở Việt Nam, Phong khoe với chúng tôi cuốn hộ chiếu đóng dấu nhập cảnh tới 17 quốc gia: 10 nước Đông Nam Á, Mỹ, Trung Quốc, Colombia, Nga, CH Séc, Slovakia, Áo.
Nhiều người mời Phong làm việc với mức lương hàng ngàn đô một tháng nhưng Phong từ chối, chàng trai mở doanh nghiệp xã hội về giảng dạy tiếng Anh để mong thêm nhiều người trẻ được biết đến sự kỳ vĩ tuyệt vời của thế giới này.
“Khi tôi bước vào một hội trường lớn tại Áo trong diễn đàn Alpbach European Forum, mọi người tự chọn những cái ghế và đặt vào bất cứ đâu mình muốn ngồi. Câu chuyện chiếc ghế nói với tôi về sự bình đẳng, nhân văn, không một ai có thể quyết định vị trí của người khác trong xã hội. Và nó càng thôi thúc tôi làm giáo dục, vì bất cứ ai cũng có thế mạnh, có quyền được học, được đổi thay cuộc đời từ giáo dục”, thủ lĩnh trẻ tương lai bộc bạch.