Tự tạo đề cương ôn tập cho riêng mình - Tối đa hóa điểm số theo năng lực.
Kiến thức mới nếu không được ôn tập rồi sẽ quên dần theo thời gian. Chắc hẳn, bạn cũng biết điều này. Bạn đã rơi vào tình trạng này chưa, có bao giờ bạn ôn tập nhiều nhưng bạn vẫn không ghi nhớ lâu được kiến thức không? Tôi nghĩ, vấn đề nằm ở việc bạn ôn tập chưa đúng cách. Ở bài viết này, tôi sẽ mang đến cho bạn một phương pháp hiệu quả chính là tự tạo đề cương ôn tập cho riêng mình.
1. Đề cương ôn tập là gì?
Từ “đề cương” có lẽ không còn xa lạ gì đối với học sinh Việt Nam trước mỗi dịp thi cử. Nhắc đến nó, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến một cái sườn bài rất ngắn, gọn. Đó cũng là một phần của định nghĩa về đề cương. Nói một cách khái quát đề cương ôn tập chính là hệ thống tóm tắt những nội dung kiến thức, kỹ năng mà bạn học tập, tìm hiểu được trong một khoảng thời gian nhất định đối với một đối tượng (môn học) nhất định.
Trong khoảng thời gian trung học, không biết bạn có từng nghe những câu như này chưa: “Cô ơi, cô có đề cương ôn tập không?”; “Ê, bạn có soạn đề cương môn này chưa? Cho mình xin với.”; “Đề cương dài quá, cô có giới hạn nội dung không cô?”;... Thực trạng này đã dần dẫn đến những sai lầm kèm theo hệ lụy mà chúng ta sẽ mắc phải.
2. Sai lầm thường gặp khi sử dụng đề cương ôn tập
Để nói đến mặt sai lầm khi sử dụng đề cương ôn tập sẽ có nhiều yếu tố cần nói. Song, tôi chỉ đề cập đến hai khía cạnh thường gặp là khi sao chép của người khác và khi bản thân tự soạn đề cương.
Ở khía cạnh thứ nhất là khi chúng ta sao chép đề cương của người khác (có thể là giáo viên, anh chị khóa trước, bạn bè,...). Điều này ắt hẳn khá thân thuộc và gặp ở hầu hết các học sinh, sinh viên Việt Nam. Tôi không nói điều này hoàn toàn xấu, nhưng do chúng ta vận dụng nó sai cách hoặc lạm dụng nó hoàn toàn. Điều này dẫn đến thói quen ỷ lại, trông chờ vào người khác chưa kể đến bạn dùng nó làm “phao cứu sinh” khi đi thi.
Mỗi người sẽ có một tư duy khác nhau. Khi mà họ làm làm ra đề cương, họ hệ thống theo tư duy của họ và hướng đến mục tiêu của họ. Ví dụ như bạn “mượn” đề cương của bạn mình soạn rồi photo, bạn nghĩ như thế sẽ tiết kiệm được thời gian ngồi soạn thay vào đó sẽ học thuộc lòng nó để đi thi. Thực chất, bạn có thể thuộc nó, bạn có thể mang nó vào phòng thi nhưng nó chỉ là “kiến thức tạm bợ” mà thôi. Tôi tin chắc một điều, sau đó một khoảng thời gian kiến thức đấy sẽ chỉ còn trong trí nhớ của chính người tạo ra nó, còn bạn “quên sạch”. Hoặc một ví dụ khác, đề cương họ tạo ra hướng đến vận dụng nhiều hơn lý thuyết gốc, trong khi đó, bạn vẫn chưa nắm vững kiến thức căn bản. Và khi nhìn vào, bạn sẽ không hiểu được hết nội dung trong đề cương thậm chí còn bị loãng kiến thức nữa. Đề cương học tập hiệu quả phải phù hợp với năng lực của bạn.
Nói như thế, vậy nếu mình tự soạn đề cương ôn tập thì có nguy cơ mắc sai lầm không? Có nhiều bạn khi soạn đề cương với một tâm thế “thà thừa chứ không thiếu”, chúng ta sẽ có suy nghĩ càng nhiều càng tốt hay nhiều mới đủ. Nói dễ hiểu hơn, như khi bạn tự soạn đề cương ôn tập, thường trong sách hoặc giáo trình của môn sẽ có phần mục lục, bạn nhìn vào đó có bao nhiêu nội dung bạn soạn hết, "bê nguyên si" từ trong tài liệu ra đề cương của bạn. Tôi nhắc lại định nghĩa đề cương ôn tập là một hệ thống tóm tắt nội dung đã được học và tính chất của nó phải ngắn gọn, súc tích đồng thời đúng trọng tâm, ý chính theo từng phần. Nếu bạn dàn trải nội dung quá nhiều trong một ý hoặc đề cương chứa tất cả các kiến thức sẽ khiến bạn dễ rơi vào tình trạng “ngán”. Không những vậy, bạn có thể bị quá tải khi dồn một lượng lớn kiến thức vào đầu thậm chí những điều bạn cố gắng nhồi nhét nó trở nên thừa thãi trong kì thi.
Vậy làm sao để tạo một đề cương ôn tập đúng đắn?
3. Cách tự tạo đề cương ôn tập cho riêng mình đúng đắn
Học tập là cho cá nhân, cho riêng mình chứ không phải cho bất kì ai cả. Kiến thức xuất phát từ tư duy của bạn, giả sử nó có phai dần theo năm tháng nhưng khi được gợi nhắc, não bộ bạn sẽ truy xuất lại vì vốn dĩ từ đầu những điều đó hình thành bởi chính bạn. Khổng Tử có nói một câu: “Học mà không nghĩ là phí công”. Và quá trình bạn tự tạo đề cương ôn tập chính là việc bạn suy nghĩ, hệ thống hóa những gì mà bạn học được nhằm phục vụ cho kỳ thi sắp tới.
Để tạo được đề cương ôn tập hiệu quả, bạn cần thực hiện những bước sau đây:
Xác định mục tiêu kết quả, điểm số mong muốn
Kiến thức phải được hình thành xuất phát từ năng lực của bạn và hướng tới kết quả bạn muốn nhận. Trước khi bắt đầu một việc gì, bạn đều cần xác định mục tiêu phù hợp với năng lực của bạn mà bạn mong muốn đạt được và ở đây, mục tiêu đó chính là điểm số. Bởi vì để đạt được mức điểm 5 và mức điểm 10 là hai khía cạnh tiếp thu kiến khác nhau. Không thể chỉ học lượng kiến thức mức độ 5 mà bạn có thể thi được 10 điểm được. Mục tiêu kết quả bạn mong muốn sẽ tỉ lệ thuận với mức độ kiến thức bạn cần dung nạp để từ đó soạn đề cương phù hợp. Chỉ khi bạn xác định được mục tiêu kết quả, bạn mới biết được mình cần học những gì để có thể đạt được số điểm đó.
Xác định những kiến thức, kỹ năng cần nắm vững để đạt được điểm số mục tiêu
Dựa vào mục tiêu đã được xác định ở bước đầu tiên, tiếp theo bạn sẽ xác định (liệt kê) những kiến thức, kỹ năng cần nắm vững (hiểu rõ và có khả năng vận dụng) để đạt được điểm số đó. Như phần trên có đề cập, kết quả mong muốn sẽ tỉ lệ thuận với lượng kiến thức cần tiếp thu. Bạn càng đặt mục tiêu điểm số càng cao, bạn càng phải ôn tập kỹ lưỡng hơn những dạng bài khó, vận dụng cao, bạn không thể chỉ ôn mỗi kiến thức căn bản thôi được. Khi soạn, bạn có thể tham khảo theo đề cương môn học, hoặc giáo viên có kinh nghiệm hoặc những anh chị khóa trước để hoàn thiện đề cương cho riêng mình. Bạn cần nhớ rõ tham khảo khác với sao chép nguyên si.
Tự mình tổng hợp và viết ra những kiến thức đó
Và bước cuối cùng đó chính là tổng hợp và viết ra. Tôi đề cập chữ “tự” đầu tiên nhằm nhấn mạnh việc học tập, thi cử là của mỗi cá nhân. Chúng ta phải có ý thức tự giác học tập thì mới có thể làm chủ kiến thức, làm chủ điểm số, làm chủ tương lai được. Và kiến thức không thể chỉ nằm trong đầu, nó phải được bạn tái hiện, mô phỏng ra ngoài thông qua hình thức viết. Bạn xác định những kiến thức cần nắm là bạn va chạm nó lần một, khi bạn suy nghĩ để viết xuống là va chạm lần hai và sau khi viết bạn đọc, ôn lại là va chạm lần ba. Bạn càng va chạm nhiều lần, bạn càng nhớ kiến thức lâu hơn. Cũng giống như việc bạn gặp một người nào đó, một lần thì bạn có thể quên nhưng nếu nhiều lần, khi gặp lại bạn sẽ nhớ họ là ai (kiến thức về điều gì?), gặp họ như thế nào (kiến thức đó được hiểu ra sao?). Việc bạn viết ra sẽ tạo nên sự trực quan kiến thức, nhìn vào đó bạn sẽ dễ hình dung, nắm bắt được những nội dung quan trọng và ghi nhớ nó lâu hơn.
Ví dụ, bạn muốn học và luyện thi tiếng Anh
Bước 1: Năng lực đầu vào của bạn là mất gốc và bạn muốn đạt 300 TOEIC trong vòng 2 tháng.
Bước 2: Để đạt được TOEIC 300, bạn xác định mình cần nắm vững Ngữ pháp căn bản như các thì (hiện tại, quá khứ, tương lai), cấu trúc câu, mệnh đề quan hệ, câu bị động,...
Bước 3: Bạn viết ra từng loại ngữ pháp như thế nào? Chẳng hạn như thì hiện tại đơn (thể khẳng định, thể phủ định, thể nghi vấn) có cấu trúc ra sao? Tôi khuyến khích bạn nên kèm ít nhất 1-2 ví dụ, điều này giúp bạn hiểu rõ hơn kiến thức và tăng khả năng vận dụng.
Có một hình thức trình bày được sử dụng nhiều ngày nay nhằm hệ thống hóa kiến thức đó chính là sơ đồ tư duy.Trong một nghiên cứu, Giáo sư Richard Felder đã chỉ ra việc não bộ con người ghi nhớ hình ảnh, sơ đồ cao hơn 60000 lần so với văn bản thuần túy. Bạn có thể sử dụng cách này để tổng hợp, hệ thống hóa kiến thức trong quá trình tạo đề cương ôn tập cho riêng mình.
“Học hành vất vả, kết quả ngọt bùi”. Kết quả học tập ngày mai xuất phát từ chính sự nỗ lực của bạn ngày hôm nay. Bạn mong muốn đạt được mục tiêu kết quả, điểm số cao, bạn cần bắt tay ngay vào việc ôn luyện kỹ càng dựa vào đề cương ôn tập bạn tạo ra. Tự tạo đề cương ôn tập cho riêng mình - Bạn sẽ tối đa hóa điểm số theo năng lực.