Sau khi xác định mục tiêu học tập, bước tiếp theo trong chiến lược học tập hiệu quả chính là xác định môn học, phần học ưu tiên.
1. Sai lầm về phân bổ thời gian ôn tập khi học luyện thi
Có nhiều bạn học sinh, sinh viên gặp khó khăn trong học tập, thi cử. Dù đã cố gắng rất nhiều nhưng kết quả nhận được vẫn không như mong muốn. Thông thường, chúng ta sẽ thi rất nhiều môn cùng một thời điểm. Vì thế, bạn dễ rơi vào tình trạng học trước quên sau, bị nhầm lẫn các kiến thức đã học, không thể tự áp dụng được nó,.. Để khắc phục tình trạng này, tôi nghĩ chúng ta nên xem xét lại phương pháp học tập của mình có phù hợp hay chưa? Và điều quan trọng đó chính là phân bổ thời gian hợp lý với từng môn học.
Ví dụ một học sinh cấp 3 sắp thi đại học chọn khối A gồm các môn Toán-Lý-Hóa, bạn chọn khối thi vì trong đó có một môn mà mình giỏi chẳng hạn như Toán. Và bạn đó đầu tư rất nhiều thời gian vào môn toán để giải những dạng bài khó, còn Lý và Hóa bạn dành thời gian ít hơn trong khi hai môn này cũng tác động vào điểm thi tuyển của bạn. Giả sử năng lực của bạn đạt 9 điểm môn Toán và bạn kiên trì để đạt điểm tối đa, trong khi Lý và Hóa của bạn chỉ nằm ở mức 6-7. Vậy tại sao bạn không chọn cách tăng môn Lý và Hóa mỗi môn thêm 1 điểm thì điểm tổng của bạn sẽ cao hơn trường hợp bạn chỉ tăng mỗi môn Toán?
Hay các sinh viên đại học cũng có thói quen đó, dành nhiều thời gian để học các môn mình thích và buông xuôi những môn khó nhằn, hoặc học chỉ đủ để qua môn. Có rất nhiều sinh viên không biết cách ưu tiên môn học mà rơi vào tình trạng rớt môn, học lại, học cải thiện,... Việc sinh viên năm nhất bỡ ngỡ với cách học ở Đại học không còn là chủ đề xa lạ, với một môi trường một học kỳ có thể học lên đến một chục môn thì việc phân bổ thời gian, xác định môn học, phần học ưu tiên càng trở nên quan trọng.
Một ví dụ nữa cho việc người học thường dành nhiều thời gian cho môn học hoặc phần học mà mình thích học hoặc mình học tốt đó là khi học tiếng Anh. Những ai thích nghe và đọc tiếng Anh sẽ dành nhiều thời gian cho việc luyện Listening hoặc Reading hơn thay vì luyện các kỹ năng thường được cho là khó như Speaking hoặc Writing. Nhưng khi bạn thi IELTS thì điểm overall là trung bình cộng của bốn kỹ năng đó. Mỗi điểm trong từng kỹ năng đều có giá trị như nhau.
2. Mối quan hệ giữa công sức bỏ ra và điểm số
Học tập là một quá trình dài, bạn phải bỏ ra rất nhiều công sức, thời gian và điểm số sẽ là kết quả phản ánh lên điều đó.
Không có ai không học gì vẫn có thể thi được điểm cao cả, trừ phi họ may mắn (nhưng không phải may mắn đến với tất cả các môn và tất cả mọi lúc). Hãy tin một điều, bạn bỏ ra bao nhiêu công sức thì kết quả dù có như thế nào bạn cũng sẽ không hối hận.
Nhưng có một điều không thể cãi, càng mong muốn điểm số cao, tuyệt đối thì bản thân càng thách thức, nỗ lực hơn.
Ví dụ, bạn thi đại học, lúc chưa bắt đầu luyện đề năng lực bạn đã đạt đến 7-8 điểm môn Toán, và mục tiêu của bạn phải 9+, hiển nhiên bạn phải tốn rất nhiều công sức, thời gian, nỗ lực học, làm những dạng bài khó, vận dụng cao. So với một học sinh mức 5 điểm để ôn luyện lên 7 điểm tất nhiên cũng cần nỗ lực nhưng nó không bằng so với trường hợp trên. Bởi lẽ, với đề thi hiện thời, để đạt được 7 điểm, bạn chỉ cần học chắc kiến thức cơ bản, cẩn thận không sai những câu dễ thì bạn có khả năng đạt số điểm đó.
Vậy làm sao để chúng ta xác định môn học, phần học nào ưu tiên để phân bổ nó hợp lý?
3. Phân bổ thời gian, công sức trong học tập một cách hợp lý
Trong cuốn “Cách mạng học tập” Jeannette Vos đã viết: “Cách mạng thật sự không chỉ nằm trong sự giáo dục của nhà trường, mà là học như thế nào để áp dụng những biện pháp mới và mọi vấn đề vào trong học tập”.
Làm thế nào để thay đổi? Đó là chỉ khi bạn phân bổ môn học với thời gian phù hợp, bạn sẽ tối ưu hóa việc học, tận dụng thời gian một cách hiệu quả nhất.
Nhưng trước hết, bạn phải cần nhận thức rõ năng lực hiện tại của bạn bằng cách làm đề thi thử. Sau khi có được kết quả làm đề thi thử, bạn xác định được năng lực hiện tại của bạn. Để từ đó, bạn có thể phân bổ thời gian hợp lý cho từng môn, từng phần học. Tránh việc sa đà vào các môn yêu thích và đến giai đoạn cuối thì nhồi nhét kiến thức các môn còn lại trong một thời gian ngắn rồi đi thi. Hậu quả của việc chúng ta nhồi nhét kiến thức trước khi thi là khi vào phòng thi, với nhiều yếu tố như áp lực, tâm lý,... có thể khiến chúng ta “quên sạch” những gì từng dung nạp trước đó.
Có một thí nghiệm kinh điển, học sinh được học các từ tiếng Anh được dịch sang tiếng Tây Ban Nha, sau đó ôn lại trong sáu phiên. Một nhóm đã ôn trong các phiên liên tiếp nhau, một nhóm ôn cách ngày và nhóm còn lại đã ôn các phiên cách nhau 30 ngày. Kết quả là các học sinh trong nhóm cuối nhớ bản dịch tốt nhất. Trong một phân tích 254 nghiên cứu được thực hiện liên quan đến hơn 14.000 người tham gia, sinh viên nhớ lại được nhiều hơn khi phân bổ thời gian học tập cách quãng (nhớ được 47% của toàn bộ) so với việc học dồn (nhớ được 37%).
Việc bạn xác định năng lực đầu vào còn giúp bạn sắp xếp thời gian học tập hợp lý. Bạn sẽ ưu tiên những môn học mình còn yếu, hoặc những môn có trọng số cao, những môn có số tín chỉ nhiều có thể ảnh hưởng lớn đến tổng điểm của bạn.
Việc xác định môn học, phần học ưu tiên kèm theo đó là phân bổ thời gian phù hợp sẽ giúp bạn đạt được kết quả tốt, điểm số tối ưu, củng cố mục tiêu học tập của bản thân hơn. Chúng ta cần trau dồi, học hỏi những kiến thức, kỹ năng chưa biết hay còn yếu. Bởi lẽ “Những người biết cách học là người làm thế nào tìm được những gì mình chưa biết qua học tập và tiếp cận nó” (Goethe).