Chủ đề: Đổi mới vì một Tương Lai Xanh (Innovation for a Green Future)
Tại Hà Nội, ngày 6-7/12/2024, YOUREORG đã tham dự Open Innovation Conference 2024, sự kiện được tổ chức bởi VinUniversity, phối hợp cùng Oxford University (Saïd Business School), Duke University (Center for International Development), Cornell University (SC Johnson College of Business) và Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Với chủ đề "Innovation for a Green Future", hội nghị đã quy tụ những chuyên gia hàng đầu thế giới, chia sẻ những ý tưởng đột phá để thúc đẩy đổi mới sáng tạo hướng tới sự phát triển bền vững.
Keynote Speech 1: Nâng cao Hiệu quả Quản lý Đổi mới trong Bối cảnh Chuyển đổi Xanh – Góc Nhìn từ Những Phát Hiện Ban Đầu của Nghiên cứu Đổi mới Ngành Công nghiệp tại Việt Nam
Keynote Speech 1: Enhancing the Effectiveness of Innovation Management in the Context of Green Transformation: Perspectives from Initial Findings of Vietnam Industry Innovation Research
Giáo sư Soumitra Dutta, Hiệu trưởng trường Saïd Business School, University of Oxford và Chủ tịch Viện Portulans Institute, đã trình bày tại Open Innovation Conference 2023, cung cấp cái nhìn sâu sắc về vai trò của quản lý đổi mới trong chuyển đổi xanh, dựa trên dữ liệu từ Vietnam Industry Innovation Research 2024 (VIIR 2024) và Global Innovation Index 2024 (GII).
Theo báo cáo GII 2024, Việt Nam giữ vị trí 44/132 quốc gia, thuộc nhóm Innovation Leaders, dẫn đầu trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp. Phân tích từ VIIR 2024 cho thấy Việt Nam có sự phân bố đồng đều về năng lực đổi mới trong các lĩnh vực công nghiệp, trong đó Giáo dục và Đào tạo được đánh giá là ngành dẫn đầu.
Giáo sư nhấn mạnh rằng Việt Nam đang thu hẹp khoảng cách với Trung Quốc nhờ những thành tựu vượt trội trong quản trị, chỉ số toàn cầu, và tính bền vững, đồng thời thể hiện một cách tiếp cận cân bằng với tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc trong các lĩnh vực như liên doanh, liên minh chiến lược, và cạnh tranh tài chính toàn cầu.
"Vietnam is closing the innovation gap with China, excelling in governance, global metrics, and sustainability while demonstrating a balanced approach to economic growth, and surpasses China in specific areas such as joint ventures, strategic alliances, and financial global competition."
(Dịch: Việt Nam đang thu hẹp khoảng cách đổi mới với Trung Quốc, vượt trội ở các lĩnh vực quản trị, chỉ số toàn cầu và bền vững, đồng thời thể hiện cách tiếp cận cân bằng với tăng trưởng kinh tế và vượt qua Trung Quốc trong một số lĩnh vực cụ thể như liên doanh, liên minh chiến lược, và cạnh tranh tài chính toàn cầu.)
Ngoài ra, giáo sư so sánh khả năng đổi mới của Việt Nam với các quốc gia có thu nhập cao như Thụy Sỹ, nhận định rằng năng lực sáng tạo đột phá của Việt Nam không chỉ giúp nước này tạo ra những ý tưởng và giải pháp chuyển đổi mà còn định vị Việt Nam là một đối thủ mạnh mẽ ngay cả trên sân chơi toàn cầu. Tuy nhiên, để phát huy tiềm năng, cần tập trung cải thiện năng lực quản lý đổi mới ở cấp doanh nghiệp và quốc gia, tăng cường hợp tác quốc tế và đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển (R&D).
"Vietnam's capability in disruptive innovation allows it to generate transformative ideas and solutions. This positions it as a strong competitor even against some high-income economies like Switzerland."
(Dịch: Năng lực đổi mới mang tính đột phá của Việt Nam giúp tạo ra những ý tưởng và giải pháp chuyển đổi, định vị Việt Nam là một đối thủ mạnh mẽ ngay cả với các nền kinh tế thu nhập cao như Thụy Sỹ.)
Bài trình bày của Giáo sư Soumitra Dutta đã đưa ra một bức tranh toàn diện, cho thấy Việt Nam không chỉ nổi bật trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp mà còn đang thu hẹp khoảng cách với những nền kinh tế hàng đầu.
Sự cân bằng giữa đổi mới sáng tạo và bền vững, cùng với khả năng đưa ra các giải pháp đột phá, là điểm nhấn đưa Việt Nam vào nhóm dẫn đầu trong chuyển đổi xanh. Đây là cơ hội lớn để Việt Nam định vị mình không chỉ là trung tâm đổi mới khu vực mà còn là một đối thủ đáng gờm trên trường quốc tế.
Keynote Speech 2: Thiết kế Chính sách như một Chất xúc tác cho Tăng trưởng Xanh: Quản lý và Đo lường Tác động của Các Chính sách Xanh
Keynote Speech 2: Policy Design as a Catalyst for a Green Growth: Managing and Measuring the Impact of Green Policies
Giáo sư Edmund Malesky, Giám đốc Trung tâm Phát triển Quốc tế Duke, Đại học Duke đã chia sẻ một bức tranh toàn diện về vai trò của chính sách trong thúc đẩy tăng trưởng xanh, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế (Growth), bình đẳng xã hội (Equality) và bền vững môi trường (Sustainability) – ba trụ cột cốt lõi của Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG).
Trong phần đầu bài phát biểu, giáo sư Malesky trình bày báo cáo “The World’s Failing Sustainable Development Report Card,” nhấn mạnh rằng nhiều quốc gia đang gặp khó khăn trong việc đạt được sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Giáo sư chỉ ra rằng, nếu không có các chính sách phù hợp, nhóm yếu thế trong xã hội – những người dễ bị tổn thương nhất – sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề của biến đổi khí hậu và bất bình đẳng kinh tế.
Tiếp theo, Giáo sư đã giới thiệu chiến lược 5 điểm (5-Point Strategy for Green Transitions) để hỗ trợ các quốc gia thực hiện chuyển đổi xanh. Trọng tâm của chiến lược là thúc đẩy hợp tác công - tư, cung cấp hỗ trợ tài chính, ứng dụng công nghệ phù hợp với bối cảnh địa phương, và xây dựng năng lực quản trị bền vững. Những yếu tố này giúp tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực, giảm thiểu lãng phí, và đảm bảo rằng mọi chính sách đều đạt hiệu quả cao nhất.
Cuối cùng, giáo sư Malesky trình bày về Provincial Green Index (PGI) như một công cụ mang tính cách mạng trong đo lường và thúc đẩy đổi mới. PGI không chỉ tạo ra dữ liệu minh bạch để đo lường hiệu quả của các chính sách xanh mà còn khuyến khích các tỉnh và địa phương cải thiện liên tục. Giáo sư nhấn mạnh rằng, PGI có thể đóng vai trò như một động lực thúc đẩy chính quyền địa phương vừa phát triển kinh tế vừa đảm bảo sự công bằng trong phân phối lợi ích.
Bài phát biểu của giáo sư Malesky kết lại với thông điệp mạnh mẽ: Chính sách xanh không thể chỉ mang tính hình thức. Chúng cần được thiết kế và thực thi với tư duy dài hạn, lấy con người làm trung tâm, và dựa trên dữ liệu đáng tin cậy để thúc đẩy sự công bằng trong phát triển bền vững.
Panel Discussion 1: Thúc đẩy Đổi mới thông qua Chính sách - Cân bằng Tăng trưởng Kinh tế và Phát triển Bền vững
Panel Discussion 1: Driving Innovation through Policy - Balancing Economic Growth and Sustainable Development
Phiên thảo luận 1 tại Open Innovation Conference 2024 với chủ đề “Thúc đẩy Đổi mới thông qua Chính sách: Cân bằng Tăng trưởng Kinh tế và Phát triển Bền vững,” đã mang đến những góc nhìn đa chiều từ các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và chính sách công. Phiên thảo luận được điều phối bởi Giáo sư Laurent El Ghaoui, Phó Hiệu trưởng phụ trách Nghiên cứu và Đổi mới, Đại học VinUniversity, cùng sự tham gia của:
✅ Giáo sư Soumitra Dutta, Hiệu trưởng, Trường Saïd Business School, Đại học Oxford
✅TS. Trần Văn Tùng, Nguyên Thứ trưởng, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam
✅ Phó Giáo sư Imke Reimers, Chủ nhiệm ngành Entrepreneurship, SC Johnson College of Business, Đại học Cornell
✅ TS. Lê Bá Tân, Giám đốc Ban Kỹ thuật, Tập đoàn Viettel
Vai trò của chính sách trong đổi mới sáng tạo
Chính sách được nhấn mạnh như công cụ chiến lược để thúc đẩy đổi mới trong các ngành công nghiệp trọng điểm. Các diễn giả đồng tình rằng, để đảm bảo đổi mới sáng tạo mang tính bền vững, cần có sự điều chỉnh linh hoạt, tạo điều kiện để các sáng kiến vừa phục vụ phát triển kinh tế vừa bảo vệ môi trường.
TS. Trần Văn Tùng đưa ra một ví dụ thực tế từ nhóm thí sinh đạt giải nhất tại cuộc thi sáng tạo Tech Fest. Nhóm đã phát triển một sản phẩm đột phá, đáp ứng cả ba tiêu chí: thương mại hóa, tính bao trùm xã hội và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng, khi cả ba yếu tố này được cân bằng, chi phí sản phẩm trở nên cao hơn đáng kể, khiến người tiêu dùng khó chấp nhận. Từ đó, TS. Tùng đặt ra câu hỏi quan trọng:
“Vai trò của nhà nước trong việc hỗ trợ giá cả là gì? Liệu có quỹ nào giúp bù đắp phần chi phí dội lên để người tiêu dùng có thể tiếp cận các sản phẩm này, trong khi họ có nhiều lựa chọn rẻ hơn?”
Hợp tác công - tư: Chìa khóa để giải quyết bài toán chi phí
Câu chuyện của TS. Tùng làm nổi bật vai trò thiết yếu của sự hợp tác giữa nhà nước và doanh nghiệp. Các chuyên gia nhấn mạnh rằng, chính phủ có thể hỗ trợ bằng cách cung cấp quỹ tài trợ hoặc chính sách ưu đãi thuế, giúp giảm chi phí sản xuất và tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm bền vững. Và TS. Lê Bá Tân cũng đã chia sẻ rằng Tập đoàn Viettel đã triển khai thành công nhiều dự án đổi mới quy mô lớn nhờ sự đồng hành và hỗ trợ chính sách từ chính phủ.
Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo: Giải pháp cho phát triển bền vững
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh sự cần thiết của một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, nơi tất cả các bên – từ chính phủ, doanh nghiệp, đến cộng đồng – cùng hợp tác để tìm ra giải pháp. Để hệ sinh thái này hoạt động hiệu quả, các chính sách phải thúc đẩy sự kết nối giữa các nhóm khởi nghiệp sáng tạo với các tập đoàn lớn và tạo cơ hội để họ tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ cần thiết.
Phiên thảo luận khép lại với thông điệp rằng, để cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, chính sách không chỉ cần mang tính thúc đẩy mà còn phải đảm bảo tính công bằng. Chính phủ và doanh nghiệp cần cùng nhau xây dựng một môi trường hỗ trợ, giúp các sáng kiến bền vững trở nên khả thi và tiếp cận được đông đảo người tiêu dùng.
Panel Discussion 2: Từ Chính sách đến Thực tiễn – Chiến lược Chuyển đổi Xanh ở Cấp Quốc gia, cấp Tỉnh và cấp độ Doanh nghiệp
Panel Discussion 2: From Policy to Practice: Green Transformation Strategies for National, Provincial, and Corporate Levels
Phiên thảo luận 2 tại Open Innovation Conference 2024 tập trung vào việc biến các chính sách xanh thành hành động thực tiễn, với sự điều phối của Giáo sư K. David Harrison, Phó Hiệu trưởng Phụ trách Học thuật, Đại học VinUniversity. Phiên thảo luận quy tụ các chuyên gia:
✅ Giáo sư Shanjun Li, Giám đốc Học thuật của Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc, Đại học Cornell
✅ Giáo sư Edmund Malesky, Giám đốc Trung tâm Phát triển Quốc tế Duke, Đại học Duke
✅ Ông Châu Ngô Anh Nhân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa
✅ Ông David Edgardo Falcon Adasme, Giám đốc ESG của VinFast/VGR
Các diễn giả đã thảo luận sâu về cách chuyển đổi xanh cần được thực hiện đồng bộ ở cấp quốc gia, tỉnh, và doanh nghiệp. Giáo sư Shanjun Li nhấn mạnh vai trò của nghiên cứu kinh tế trong việc tối ưu hóa chính sách xanh tại cấp quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh các nền kinh tế đang phát triển. Giáo sư Edmund Malesky trình bày về mối liên kết giữa chính sách và thực tiễn, nhấn mạnh rằng hiệu quả của các sáng kiến phụ thuộc vào sự hỗ trợ liên tục từ chính phủ.
Ở cấp địa phương, Ông Châu Ngô Anh Nhân chia sẻ kinh nghiệm từ Khánh Hòa, nhấn mạnh rằng các tỉnh cần linh hoạt trong việc điều chỉnh chính sách phù hợp với đặc thù vùng miền. Ông David Falcon Adasme bổ sung quan điểm từ phía doanh nghiệp, nêu bật vai trò của ESG trong chuyển đổi xanh và cách VinFast áp dụng các tiêu chuẩn bền vững để tạo ra giá trị kinh tế lẫn xã hội.
Phiên thảo luận kết thúc với lời kêu gọi hành động từ tất cả các bên để đảm bảo rằng chính sách xanh không chỉ nằm trên giấy mà trở thành động lực thực sự cho sự phát triển bền vững.
YOUREORG - Đồng Hành Vì Bình Đẳng Giáo Dục
Tại Open Innovation Conference 2024, YOUREORG đã tái khẳng định cam kết của mình trong việc thúc đẩy bình đẳng giáo dục, một yếu tố cốt lõi trong phát triển bền vững. Trong bối cảnh các cuộc thảo luận xoay quanh đổi mới và chính sách, YOUREORG mang đến câu chuyện về việc ứng dụng công nghệ và sáng tạo để tiếp cận những học sinh bên lề.
Từ các chương trình học trực tuyến giá rẻ đến các dự án cộng đồng hướng tới học sinh yếu thế, YOUREORG thể hiện rõ vai trò của mình trong việc phá vỡ vòng lặp bất bình đẳng, đảm bảo rằng mọi học sinh đều có cơ hội vươn lên thông qua giáo dục. Sự tham gia của YOUREORG tại hội nghị là minh chứng cho tầm nhìn toàn cầu nhưng thực tiễn, lấy con người làm trung tâm.
Tại Open Innovation Conference 2024, YOUREORG đã không ngừng học hỏi và tìm kiếm cảm hứng để thúc đẩy bình đẳng giáo dục và phát triển bền vững. Chúng tôi đã tham gia đầy đủ các phiên thảo luận chủ đề Con người và Giáo dục (People & Education), để lắng nghe và học hỏi từ các báo cáo viên với những chủ đề tiên phong như:
✅ The Bahnar Ethnic Minority of Vietnam as Environmental Experts, Innovators, and Protectors of Biodiversity
✅ Whale Ghosts Lost among Displaced Seas: "Critical Hauntology" and "Iconoclash" for Spiritual and Ecological Tourism
✅ Revolutionizing Green Finance Education with AI: A VinUniversity Initiative
✅ Best practices of Project Design Education to empower students for a sustainable economy
Bên cạnh đó, YOUREORG còn tham gia workshop Green Transformation để lắng nghe những bài giảng từ các chuyên gia hàng đầu thế giới, ở các chủ đề như “Green Branding” của GS. David Reibstein (The Wharton School, University of Pennsylvania) hay “Green Agriculture” của GS. Ermias Kebreab (University of California, Davis). Đặc biệt, bài giảng của GS. Soumitra Dutta đã truyền cảm hứng sâu sắc, thúc đẩy chúng tôi tiếp tục sáng tạo và cống hiến cho mục tiêu giáo dục bền vững.
Hành trình tham dự hội nghị lần này không chỉ là cơ hội để YOUREORG học hỏi, mà còn là lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng, với tri thức và sự đổi mới, chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng một tương lai giáo dục xanh, công bằng và bền vững cho mọi người.
YOUREORG: Đổi mới giáo dục để không ai bị bỏ lại phía sau trong hành trình phát triển bền vững.
Đọc thêm về Chất Lượng Giáo Dục của YOUREORG