“Xây dựng thương hiệu cá nhân” là một trong những keyword được rất nhiều người quan tâm và tìm hiểu hiện nay. Đây là khâu quan trọng không chỉ với doanh nghiệp đã có chỗ đứng trên thị trường mà còn cả các doanh nghiệp mới bước chân vào con đường khởi nghiệp. Và bài viết này sẽ giúp bạn biết được một số quy luật xây dựng thương hiệu cá nhân thành công.
Có rất nhiều người đặt câu hỏi: “Khi nào xây dựng thương hiệu cá nhân là phù hợp nhất?” Khi bạn là sinh viên, khi vừa mới ra trường, khi bắt đầu startup hay khi làm quản lý hoặc người đứng đầu doanh nghiệp?
Câu trả lời là: “Bất cứ khi nào bạn có thể”. Việc xây dựng được thương hiệu càng sớm thì bạn định hình rõ sự uy tín và chất lượng của bản thân trong cái nhìn khách quan khách hàng, đối tác hơn.
Đây là 9 quy luật bạn cần biết khi bắt đầu xây dựng thương hiệu cá nhân
1. Quy luật chi tiết hóa (specialization)
“Giỏi một việc” đây là điều tôi muốn gửi gắm khi bàn về quy luật của chi tiết hóa. Chúng ta có thể biết làm rất nhiều việc nhưng không đồng nghĩa chúng ta phải giỏi hết thảy các việc đó, chỉ cần giỏi một việc là đủ. Để xây dựng một thương hiệu mạnh, bạn phải cụ thể và chi tiết hóa vào một hoặc điểm mạnh chính, hoặc tài năng nổi bật nhất, hoặc thành tựu quan trọng nhất của bạn. Việc này sẽ khiến bạn trở thành đối thủ mạnh nhất trong lĩnh vực của bạn. Ví dụ như khi nhắc đến các huyền thoại môn bóng đá, chúng ta hầu như sẽ nghĩ đến “vua bóng đá” - Pele hay Cristiano Ronaldo hay Lionel Messi. Bởi lẽ, họ tập trung và đầu tư chi tiết vào năng lực họ nổi trội cộng thêm sự tôi luyện kiên trì.
2. Quy luật lãnh đạo (leadership)
Thomas Fuller có nói: “If you command wisely, you'll be obeyed cheerfully”. Tạm dịch là “Nếu bạn lãnh đạo tài tình, bạn sẽ có được sự vui vẻ phục tùng”. Trong bất cứ một công việc hay một môi trường nào, vai trò của người lãnh đạo cũng là quan trọng nhất. Đặc biệt, với thương hiệu cá nhân, bạn cần phải biết cách lãnh đạo và kiểm soát độ phủ sóng của nó đến với mọi người. Muốn nhận được sự công nhận từ khách hàng và đối tác, bạn cần phải tạo giá trị tin tưởng ở bản thân hay nói dễ hiểu hơn là uy tín. Bởi lẽ, sự cộng hưởng giữa năng lực, vị thế hiện tại, sự tín nhiệm và mức độ công nhận sẽ tạo nên thành công cho khả năng lãnh đạo. Bạn lãnh đạo tài tình thương hiệu cá nhân của mình, bạn sẽ dễ dàng nhận được nguồn lực mà bạn mong muốn.
3. Quy luật cá tính riêng (personality)
Với những điều đề cập trong hai quy luật trên chắc hẳn bạn sẽ cảm thấy rất áp lực vì nghĩ rằng “mình phải luôn luôn giỏi, mình phải luôn luôn tốt”. Và quy luật thứ ba sẽ là chìa khóa mở ra cho bạn cánh cổng giải tỏa áp lực. Bạn hãy nhớ rằng “bạn không phải người hoàn hảo” và thương hiệu cá nhân thành công chưa bao giờ đòi hỏi bạn phải hoàn hảo. Bên cạnh điểm mạnh, bạn cũng có thể hiện những khuyết điểm miễn đó chính là con người và tính cách của bạn. Sự giả tạo dù cố ngụy trang đến đâu cũng sẽ bị khai trừ.
4. Quy luật của sự khác biệt hóa (distinctiveness)
Cốt lõi mục đích của việc xây dựng thương hiệu là khẳng định vị thế của bạn trong lĩnh vực bạn theo đuổi, phân biệt bạn với các đối thủ cạnh tranh dựa trên sự khác biệt bạn tạo ra. Bởi lẽ “Để trở nên không thể thay thế, người ta phải luôn khác biệt” (Coco Chanel). Hiện nay, nhiều người có quan niệm rằng “khác biệt sẽ bị ghét” nên họ ngần ngại phô diễn ra sự khác biệt của mình. Họ chọn cách xây dựng thương hiệu “lưng lửng” không quá chìm cũng không nổi bật để không mất lòng ai và nhận được toàn diện sự yêu thích từ những người mà mình tiếp cận (độ nhận diện có giới hạn). Nhưng tôi khuyên nếu bạn đặt mục tiêu cao và xa thì nó sẽ không phải một lựa chọn tốt. Bạn biết không, chỉ trong một lĩnh vực thôi đã có hơn một chục, một trăm hoặc nhiều hơn nữa các thương hiệu cạnh tranh. Khi nhà đầu tư hay đối tác đưa ra lựa chọn, họ chỉ nhắm vào top những thương hiệu nổi bật và khác biệt trong chuyên môn đó mà thôi. Điều đó đồng nghĩa nếu bạn không thật sự khác biệt thì thương hiệu cá nhân của bạn về lâu dài sẽ thất bại. Bạn hãy giữ vững tâm trí, tự tin thể hiện, tỏa sáng điểm khác biệt độc đáo ở bản thân, khi ấy tôi tin rằng bạn sẽ nhận được nhiều sự yêu thương hơn.
5. Quy luật của sự dễ nhận dạng (visibility)
Con người chúng ta có một bệnh xuất hiện ở mọi giới tính, mọi lứa tuổi mang tên “hay quên”. Nếu một điều gì đó chỉ xuất hiện một hay hai lần thì theo thời gian sẽ bị những thực tại xóa bỏ khi mỗi ngày trôi qua chúng ta phải dung nạp rất nhiều thứ mới. Đó là lý do vì sao các thương hiệu cứ liên tục chạy quảng cáo trên các phương tiện truyền thông điện tử nhằm tránh tình trạng “lãng quên” của khách hàng. Cùng một sản phẩm nhưng mỗi năm hoặc trong một khoảng thời gian nhất định sẽ có chiến lược marketing mới để thay đổi bộ trang phục, điều này cũng tránh sự nhàm chán khi nhắc đến sản phẩm hay thương hiệu của bạn. Tương tự với thương hiệu cá nhân, hình ảnh, tên tuổi của bạn phải được lặp đi lặp lại nhiều lần đến khi nó ghi sâu một cách có ý thức trong tâm trí của khách hàng, đối tác. Điều đó cũng phải đi kèm với chất lượng hay năng lực, giá trị bạn đem đến trong mỗi lần xuất hiện. Con người chúng ta có tồn tại về mặt cảm tính, khi gặp hoặc nghe liên tục đến một sản phẩm, một doanh nghiệp hay một cá nhân nào đó, hiển nhiên ta đánh giá cao và tin tưởng hơn. Bạn có thể nhận thấy ở các ca sĩ nổi tiếng, vốn dĩ họ đã có thương hiệu cho mình rồi nhưng họ vẫn tích cực nhận show, sáng tác, chạy quảng cáo cho các nhãn hàng, đi dự sự kiện của các công ty,… chỉ với mục đích là càng khẳng định nổi bật thương hiệu cá nhân và khiến khán giả nhớ đến mình lâu hơn. Một thương hiệu mạnh là một thương hiệu phải tồn tại về mặt thời gian và quy luật này sẽ là đáp án cho bài toán đó.
6. Quy luật thống nhất (unity)
Đây là quy luật quan trọng chảy suốt trong mạch sống của thương hiệu cá nhân. Từ giai đoạn xây dựng cho đến giai đoạn giữ gìn và phát triển. Ở giai đoạn đầu, quy luật này được thể hiện ở sự thống nhất giữa giá trị cốt lõi (core values) và con người của bạn. Những giá trị bạn chọn phải đúng và dựa trên tính cách, năng lực, kinh nghiệm và đạo đức của chính mình. Nó phải thống nhất, tương đồng với nhau. Bạn không thể vẽ con người mình sai lệch với những giá trị mà bạn có được. Bước vào giai đoạn tiếp theo, bạn phải thống nhất và thực hiện theo những quy tắc, hành vi, hình ảnh, đạo đức mà bạn đã xây dựng trước đó. Dù bạn có thành công như thế nào bạn cũng không được phép “biến chất” bản thân của mình. Tính cách của bạn phải phản ánh bản chất thương hiệu mà bạn tạo nên.
7. Quy luật bền bỉ (persistence)
Xây dựng thương hiệu cá nhân không phải là việc có thể làm trong một vài ngày. Có thể bạn mất vài năm mới tạo được giá trị bản thân, tạo được niềm tin với mọi người, có những nhận xét tích cực và có sức ảnh hưởng nhất định đối với công chúng trong lĩnh vực bạn hoạt động. Và khi đã xây dựng, bất kỳ thương hiệu nào cũng cần sự tồn tại bền bỉ với thời gian, với khách hàng, với đối tác. Sống không phải để đi tìm bản thân, mà là để sáng tạo ra bản thân mình – George Bernard Shaw. Sự sáng tạo bản thân dựa trên những giá trị cốt lõi sẽ giúp thương hiệu của bạn bền bỉ, thành công và được mọi người đón nhận hơn. Hãy kiên trì chăm sóc, nuôi dưỡng thương hiệu cá nhân của mình nhé!
8. Quy luật lắng nghe (listen)
Muốn thành công, bạn phải nghe nhiều hơn là nói. Đừng chỉ làm việc và nỗ lực từ một phía. Lắng nghe ý kiến đóng góp từ mọi người là cách tốt nhất để bạn hoàn thiện bản thân hơn. Bởi lẽ, khách hàng, đối tác luôn có cái nhìn và đánh giá khách quan hơn. Từ ý kiến của họ, bạn sẽ biết được mình còn thiếu sót chỗ nào và cần bù đắp những gì. Thương hiệu cá nhân là của bạn, nhưng không đồng nghĩa bạn có thể bỏ qua ý kiến của mọi người. Nhìn nhận những lời nhận xét, đánh giá từ cộng đồng là cách tốt nhất để bạn ngày càng hoàn thiện bản thân mình hơn. Biết đâu, trong vô vàn những nhận xét lại tạo ra ý tưởng mới để bạn có cách tạo thương hiệu cá nhân tốt hơn.
9. Quy luật thiện chí (goodwill)
Với những điều hướng ra cộng đồng sẽ đón nhận nhiều tình cảm của cộng đồng. Có lẽ bạn không tin nhưng đây là một sự thật. Một ví dụ gần gũi, thương hiệu ca sĩ Thủy Tiên càng được nhiều người biết đến thông qua hành động kêu gọi, quyên góp từ thiện giúp đỡ người dân đồng bào miền Trung. Không chỉ được biết đến mà Thủy Tiên còn nhận được vô vàn tình cảm yêu quý từ người dân và kể cả trong showbiz. Tấm lòng của Thủy Tiên đó chính là sự thiện chí. Quy luật này là một “bí kíp vàng” để nhân bản thương hiệu cá nhân của bạn mà không phải ai cũng làm được. Muốn thực hiện quy luật này, đòi hỏi bạn phải thực hiện tốt các quy luật bên trên, bởi lẽ không ai dám tin tưởng, ủng hộ một cá nhân bình thường trong cuộc sống không một ai biết đến. Đây là đòn bẩy nâng cao giá trị thương hiệu của bạn, đưa bạn chạm gần hơn với con đường thành công.
Nếu bạn thấu hiểu bản thân, có kế hoạch và vận dụng tốt các quy luật trên, chắc chắn thương hiệu cá nhân của bạn sẽ thành công.
Quỳnh Như