Những định hướng sai lầm trong việc học tiếng Anh
Rất nhiều học sinh sinh viên nói riêng và người học tiếng Anh nói chung đang bị định hướng sai bởi thị trường. Hiện nay thị trường luyện thi chứng chỉ tiếng Anh ở Việt Nam phát triển như nấm sau mưa, dẫn đến nhiều người khi nói về việc học tiếng Anh của mình thì thường nói theo cú pháp “Mình đang học + (tên chứng chỉ)”, ví dụ: Mình đang học TOEIC, Mình đang học IELTS,…, mà chẳng mấy người hiểu một cách chính xác TOEIC, IELTS hay TOEFL là gì? Để làm gì?
Ý nghĩa của các bài kiểm tra đánh giá năng lực tiếng Anh
TOEIC, IELTS hay TOEFL là những bài kiểm tra năng lực tiếng Anh phổ biến nhất hiện nay:
- TOEIC viết tắt của Test of English for International Communication (Kiểm Tra Tiếng Anh Giao Tiếp Quốc Tế)
- TOEFL viết tắt của Test of English as a Foreign Language (Kiểm tra tiếng Anh như một Ngoại ngữ)
- IELTS viết tắt của International English Language Testing System (Hệ thống Kiểm tra Ngôn ngữ Tiếng Anh Quốc tế)
Vậy các bài kiểm tra này mục đích để làm gì? Nó là công cụ để đo năng lực tiếng Anh của bạn trong bối cảnh nào đó. Có thể hiểu nôm nay nếu năng lực tiếng Anh của bạn là 1 mảnh vải, thì các bài test này là một thước đo.
Phân tích về sai lầm khi đánh đồng việc học tiếng Anh với việc luyện thi chứng chỉ tiếng Anh
Trong bài viết này tôi xin chọn TOEIC để làm ví dụ:
TOEIC là bài kiểm tra về năng lực giao tiếp tiếng Anh Quốc tế của bạn. Nếu xem TOEIC L&R là một cây thước thì cây thước này có giới hạn đo là 990 điểm, độ chia nhỏ nhất là 5 điểm.
Quay lại vấn đề được đặt ra ban đầu, bạn nói bạn học TOEIC tức là bạn đang đi học cây thước đo sao?
Việc bạn mang cây thước ra đo đi đo lại nhiều lần có làm bạn cao lên không? Để cao lên bạn phải tập thể dục thể thao, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, môi trường sống lành mạnh với sự phát triển thể chất. Đối với năng lực tiếng Anh cũng vậy, điều bạn cần đó là phát triển năng lực tiếng Anh, các bạn cần học từ vựng, nắm vững ngữ pháp và rèn luyện kỹ năng Nghe Nói Đọc Viết đạt với yêu cầu của mức điểm số mà bạn mong muốn.
Nhiều bạn nói việc giải đề thường xuyên cũng làm cho các bạn tiến bộ, các bạn thấy kết quả làm bài của mình vẫn tăng dần theo thời gian. Mình xin giải thích với các bạn như sau:
Nếu bạn đang đặt mục tiêu thi được 600 điểm TOEIC L&R, tức là bạn cần làm đúng khoảng 61 câu Reading và 58 câu Listening. Như vậy khi các bạn giải đề thi TOEIC, mỗi phần các bạn đang phải làm ít nhất là 40 câu quá sức với bản thân. Điều đó khiến các bạn mệt mỏi, chán chường, hoặc nghi ngờ năng lực của bản thân.
Hơn nữa, trong đề thi chỉ có tầm 60 câu phù hợp với năng lực của bạn, nhưng 60 câu này cũng không thể quét hết các cấu trúc ngữ pháp, từ vựng trong vùng năng lực mà bạn muốn hoàn thiện. Vì thế mà việc học tiếng Anh theo các ngữ liệu từ các bài kiểm tra chuẩn hóa, hay việc lao vào các lớp lò luyện thi luyện giải đề nó chỉ càng khiến cho nền tảng tiếng Anh của bạn có những lỗ hổng mà các bạn không hề nhận ra.
Bản thân tôi cũng từng mắc phải sai lầm này. Hậu quả của nó thì cho đến gần đây thi thoảng tôi vẫn gặp phải những từ vựng mà tôi chưa từng gặp, khi tra từ điển mới thấy từ vừng ấy ở trình độ A2 (tương đương TOEIC 225-545), trong khi trình của tôi bây giờ ít nhất phải được 900.
Lời khuyên chân thành
Thông điệp mà tôi muốn gửi đến các bạn đó là hãy trang bị năng lực tiếng Anh thật sự cho mình. Như việc các bạn khi còn nhỏ muốn cao lên thì phải ăn uống đủ chất, tập thể dục và sinh hoạt đời sống lành mạnh. Còn sự chuẩn bị cho kỳ kiểm tra đơn giản chỉ là các bạn học cách đứng vào cái máy đo chiều cao làm sao cho máy trả ra số đo cao nhất có thể.
Vì thế, thay vì chỉ tập trung vào việc luyện thi, luyện giải đề, các bạn nên tham gia các khóa học tiếng Anh kết hợp với việc luyện thi TOEIC. Các khóa học đấy nên được phân chia cấp độ rõ ràng, mỗi cấp độ cung cấp cho bạn những kiến thức tiếng Anh cần phải đạt được ở cấp độ đấy và cách ứng dụng những kiến thức tiếng Anh đấy trong thực tế, đồng thời rèn luyện cho bạn những kỹ năng cần thiết để đạt được mục tiêu điểm số TOEIC tương xứng. Việc luyện đề TOEIC chỉ nên kéo dài khoảng 1 tháng thôi, các bạn luyện cho quen với format của đề thi và vài thủ thuật nhỏ để điểm thi có thể cao hơn năng lực thật của bạn 1 tí là thành công.
Phát triển năng lực thế nào, phương pháp học ra sao thì các bạn hãy chờ các bài viết tiếp theo nhé.
Bài viết kỳ sau về chủ đề: Cách chọn một khóa học luyện thi TOEIC chất lượng