Thương hiệu cá nhân ít ai biết đến giống như việc bạn mặc một chiếc đầm dạ hội lộng lẫy nhưng chỉ lẩn quẩn ở nhà.
Xã hội hiện nay ngày càng “trưng dụng” những cá nhân có thương hiệu hội tụ đủ tài và tâm.
Bạn cũng muốn có thương hiệu cho riêng mình. Rồi bạn bắt đầu xây dựng thương hiệu cá nhân. Xây dựng được một thời gian thì bạn lại tự đặt câu hỏi: “Sao thương hiệu của mình không “hot” như người ta?” Tôi chắc rằng có rất nhiều người đang bước trên con đường định vị bản thân sẽ hỏi chính mình câu này. Tôi hy vọng bài chia sẻ này sẽ mang đến “chút tia sáng” với những ai đang loay hoay tìm câu trả lời cho câu hỏi trên.
Trước hết, tôi phải khẳng định lại một điều rằng: “Để sở hữu một thương hiệu thành công đó là quá trình đòi hỏi thời gian dài”. Bạn không thể mới bắt tay vào một ngày, một tuần, một tháng hay một năm là được. Nếu có cũng chỉ là nhất thời và thương hiệu đó đang trong giai đoạn “chớm nở” mà thôi. Cũng có những bạn ngồi mơ tưởng, tô vẽ ra sự thành công thương hiệu nhưng con đường này không cho phép bạn chỉ muốn là được. Henry Ford đã từng nói: “Bạn không thể xây dựng danh tiếng nhờ những điều bạn sắp làm”.
Bạn muốn nhiều người biết đến, bạn cần phải có chiến lược xây dựng và quản lý danh tiếng một cách tần suất, không ngừng cải tiến hình ảnh cá nhân, xây dựng lòng tin với khách hàng, đối tác hay chính đội ngũ nhân viên tiềm năng. Có như thế, bạn mới nhận được sự công nhận, tín nhiệm và yêu thương của cộng đồng những người biết đến bạn.
Dẫu biết là vậy, nhưng nếu bạn cảm thấy mình đang vật lộn khó khăn với việc xây dựng thương hiệu hoặc thấy bế tắc giữa chừng, hãy thử suy ngẫm những lý do sau đây nhé.
1. Thương hiệu không nhất quán
Tính nhất quán (consistency) là một trong những yếu tố quan trọng then chốt bạn phải thể hiện trong suốt chặng đường định vị thương hiệu cá nhân. Dù cho bạn xây dựng với mục đích gì, có thể là tươi vui, giải trí hay là chỉn chu, thận trọng thể hiện năng lực chuyên môn của bản thân thì cũng không được phép bỏ qua tính chất này. Consistency sẽ mang đến cho bạn nhiều giá trị, đặc biệt là bạn biết mình phải làm gì và bằng cách nào để hoàn thành tốt những nhiệm vụ đó.
Sự không nhất quán là vấn đề phổ biến nhất đối với những ai mới bước chân vào thế giới xây dựng thương hiệu cá nhân. Cũng như thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu cá nhân cần phải vững chắc và nhất quán mới đạt được hiệu quả. Nếu không, nó không thể được coi là một "thương hiệu".
Vậy từ đâu mà hình thành nên sự không nhất quán đó? Thông thường, sự khác biệt là kết quả của việc không vạch ra các tiêu chuẩn hay giá trị cốt lõi thương hiệu từ khi bắt đầu. Ở đây bắt gặp những cá nhân vừa nghĩ đến việc xây dựng thì nhảy ngay vào thực hiện mà không có chiến lược bền vững. Hiển nhiên, bạn sẽ dần lạc hướng và kiếm tìm hoài không thấy lối ra hoặc cũng có thể bạn phải bắt đầu lại từ vạch xuất phát. Dù là trường hợp nào, điều quan trọng là bạn phải kiểm tra tính nhất quán của thương hiệu cá nhân và thực hiện các điều chỉnh khi cần thiết.
2. Bạn đang giới hạn các phương tiện truyền thông xã hội (Social media)
Trong nền kinh tế hội nhập, hiện đại 4.0 xuất hiện vô vàn các phương tiện truyền thông có thể bổ trợ cho bạn trong việc xây dựng thương hiệu cá nhân. Đó có thể là các nền tảng truyền thông xã hội (FB, LinkedIn,...), website, blog, báo chí, nhà xuất bản hay các cơ hội trực tuyến,... Nếu bạn chỉ dùng một kênh duy nhất bạn sẽ giới hạn lại nguồn khách hàng tiềm năng trong một khuôn khổ hẹp đồng nghĩa bạn tự làm cho thương hiệu cá nhân ít ai biết đến.
Bạn nên hiểu điều này, với mỗi một nền tảng khác nhau, bạn sẽ gặp được những đối tác, khách hàng, nhà đầu tư khác nhau. Vì thế, nếu bạn tận dụng được nhiều nền tảng không những bạn mở rộng mạng lưới quan hệ của mình mà thậm chí nhận được nguồn lực tiềm năng nhất định. Đối tượng của bạn càng lớn, danh tiếng của bạn càng tăng nhanh. Nếu bạn kìm hãm phương tiện truyền thông của mình, thành công sẽ kìm hãm thương hiệu của bạn. Điều đó không đồng nghĩa bạn phải có mặt trên tất cả các Social media bởi lẽ nó rất nhiều sẽ khiến bạn bị rối, bị loãng khi định vị bản thân. Đầu tư vào những nền tảng chủ yếu, quan trọng chớ đừng chỉ xuất hiện thấp thoáng mà không để lại dấu ấn nào. Hãy nhớ, bạn không cần phải thiết lập hình ảnh cá nhân trên mọi phương tiện truyền thông xã hội, nhưng hãy cố gắng phân nhánh và đầu tư chất lượng nếu bạn đang đấu tranh để khẳng định vị thế của mình trong đấu trường chuyên môn.
3. Chỉ chú trọng vào các Social media
Khi đề cập đến vấn đề thứ ba, tôi chắc rằng phần đông các bạn sẽ ngạc nhiên, lập tức nghĩ ngay đến việc mâu thuẫn với lý do thứ hai tôi vừa đưa ra. Vốn dĩ tôi nói “chỉ chú trọng vào các Social media” nhằm mục đích cảnh tỉnh nhận thức của bạn. Đọc xong lý do thứ hai, hầu hết các bạn liền chú trọng đầu tư hình ảnh trên các mạng xã hội. Nhưng vấn đề ở đây là như thế đã đủ chưa? Không thể phủ nhận tốc độ ảnh hưởng và sự phổ biến của mạng xã hội là rất lớn. Nếu biết cách PR tốt và có chiến lược marketing hấp dẫn, bắt trend kịp thời đại thì việc tăng lượt tiếp cận không phải là vấn đề nan giải.
Có một quan niệm sai lầm tồn tại nhiều ở nhiều bạn giới trẻ hiện nay rằng thương hiệu cá nhân chỉ là về tác động mà bạn có thể tạo ra ở định dạng trực tuyến. Tuy nhiên, nếu bạn chỉ xây dựng thương hiệu ở khía cạnh trực tuyến như mạng xã hội không thì khó thể định hình rõ năng lực chuyên môn của bạn.
Tôi đã từng đọc đâu đó một câu rất hay: “Content is the King” tạm dịch nội dung là vua. Hình thức bên ngoài một thời gian sẽ bị lãng quên chỉ có những giá trị nội dung mới tồn tại lâu bền. Có hai khía cạnh tôi muốn bàn đến, một là nội dung trên social media, hai là nội dung thực tế con người bạn. Về góc độ thứ nhất, tôi muốn bổ sung thêm vào lý do thứ hai mà tôi đã nêu. Tôi đề cập phải phổ biến hình ảnh cá nhân rộng rãi trên các phương tiện truyền thông xã hội nhưng không đồng nghĩa bạn chỉ chú tâm, chăm chút cho vẻ bề ngoài của mình. Không phải bạn khoác lên mình một bộ trang phục đẹp, chụp một tấm ảnh up lên mạng xã hội với vài dòng caption là bạn sẽ nổi tiếng. Giới đầu tư kinh doanh hay các chuyên gia, đối tác chỉ đánh giá cao về chất lượng hình ảnh (năng lực, kiến thức, kinh nghiệm, đạo đức) bạn thể hiện ra. Hình ảnh bên ngoài và giá trị bên trong hay chất lượng hình ảnh phải giao thoa với nhau. Tiếp theo, bạn cần phải đầu tư các cơ hội không trực tuyến để tạo thêm ảnh hưởng trong địa phương, trong quốc gia của bạn. Chẳng hạn, bạn tham gia các buổi đối thoại trực tiếp, workshop, hội thảo, diễn thuyết,... Việc tham dự các sự kiện kết nối và trao đổi trực tiếp có thể giới thiệu bạn với những người hoặc không hoặc ít kết nối trực tuyến, điều đó có thể cải thiện đáng kể danh tiếng của bạn. Chiến lược xây dựng thương hiệu cá nhân tốt nhất là những chiến lược kết hợp các yếu tố của cả chiến lược mạng trực tuyến và trực tiếp.
4. Bạn không tạo ra cuộc đối thoại
Xây dựng thương hiệu cá nhân không chỉ đơn thuần là đưa những suy nghĩ và nội dung của riêng bạn ra để mọi người đọc. Có nhiều người mắc sai lầm khi viết quá nhiều nội dung và cập nhật nhiều trạng thái trên mạng xã hội, nhưng không bao giờ tìm đến những người theo dõi và người quan tâm đến mình để tạo ra một cuộc đối thoại. Thương hiệu cá nhân nhằm khẳng định vị thế của bạn nhưng có thành công hay không phụ thuộc ít nhiều đến những người tiếp cận bạn (khách hàng, nhà đầu tư, đối tác).
Bạn phải chủ động tạo ra các cuộc đối thoại để xây dựng và duy trì các mối quan hệ. Đối thoại là nền tảng thúc đẩy thương hiệu cá nhân trở nên phổ biến. Bạn có thể chọn cách mở đầu cuộc đối thoại bằng các câu hỏi, khảo sát, lời mời thảo luận hay các hình thức trao đổi tương tác khác khiến mọi người cảm thấy quen thuộc hơn với bạn đồng thời khiến bạn trở nên gần gũi và thân thiện hơn.
5. Bạn đang làm mọi thứ một mình
African Proverb đã từng nói: “Nếu bạn muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Nếu bạn muốn đi xa, hãy đi cùng nhau”. Và việc xây dựng thương hiệu và một quá trình lâu dài. Bạn hiểu ý tôi chứ?
Không thể phủ nhận xây dựng thương hiệu cá nhân chủ yếu là nỗ lực của mỗi cá nhân, bạn phải không ngừng trau dồi bản sắc riêng, nâng cao năng lực chuyên môn và tạo sự chú ý nhiều hơn cho bản thân, nhưng điều đó không có nghĩa là mọi thứ phải tập trung vào bạn. Nếu bạn tự cô lập bản thân mình, thương hiệu cá nhân sẽ cô lập bạn, thương hiệu của bạn sẽ ít ai biết đến.
Trong thế giới hình thành nên sự cộng tác, những người mà bạn trang bị quanh bạn sẽ quyết định mức độ thành công của bạn. Để phát triển thương hiệu cá nhân, bạn cần mượn quyền từ các nhà lãnh đạo, các đối tác, nhà đầu tư, nhân viên và chính nguồn khách hàng tiềm năng của bạn. Xây dựng mạng lưới những người có ảnh hưởng và đặt bạn vào giữa họ. Bạn sẽ ngạc nhiên về kết quả.
Trên đường đi, đừng nản lòng nếu chiến lược xây dựng thương hiệu cá nhân của bạn đột ngột lao dốc hay không đạt được như những gì bạn mong muốn. Con đường nào trải đầy hoa hồng thì đồng nghĩa sẽ có rất nhiều gai, việc khó khăn, bế tắc trong việc xây dựng thương hiệu cá nhân là điều không thể tránh nhưng với cách tiếp cận phù hợp, hướng giải quyết xác đáng có chiến lược cụ thể bạn sẽ dễ dàng trong việc điều dưỡng chiến dịch của mình trở lại khỏe mạnh. Tập trung vào các mục tiêu cuối cùng của bạn, giữ cho các tiêu chuẩn nhận dạng của bạn nhất quán với nhau và đừng ngại điều chỉnh nó khi không phù hợp. Điều này sẽ phá vỡ rào cản của việc thương hiệu cá nhân của bạn ít ai biết đến. Cách duy nhất để cải thiện là thay đổi một cái gì đó.